Công ty luật Hà Nội – Phần đóng góp ý kiến được coi là thuyết phục nhất tại buổi thảo luận hội trường hôm nay về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi thuộc về đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Hòa và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch.
Đa số các đại biểu đều nhất trí Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, một chính sách thuế hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước (NSNN). Việc áp dụng thuế suất riêng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là một bước đột phá của dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi được Chính phủ trình ra Quốc hội lần này.
Một trong những yêu cầu của doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là được kinh doanh trong môi trường pháp luật đồng nhất, rõ ràng, minh bạch. Việc sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này phải nhằm phát huy các ưu điểm của Luật hiện hành, đồng thời từng bước khắc phục các hạn chế, tồn tại của Luật ảnh hưởng đến phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật cũng phải phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011.
Liên quan đến Điều 10, TS. Trần Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinacomin cho rằng chủ trương giảm thuế suất thuế TNDN vừa để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, vừa phù hợp với xu thế chung trong khu vực giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư. “Việc giảm thuế suất thuế TNDN 25% hiện nay xuống thành 2 mức: thuế suất 22% và thuế suất 20%; trong đó mức thuế suất áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ đồng theo bình quân của 2 năm liền kề, theo ý kiến tôi quy định này sẽ có một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Hơn nữa giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lợi nhuận giảm do chịu tác động của suy giảm kinh tế”, ông Hòa đóng góp ý kiến.
“Ban soạn thảo cần chỉnh sửa Điều 10 Dự thảo Luật theo hướng thống nhất giảm thuế suất xuống cùng một mức là 20%. Rõ ràng vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất với ngành thuế chính là tìm cách thu cho đúng, cho đủ, cho hết, tránh thất thu lớn như hiện nay để tăng thu NSNN. Bù lại với mức thuế thấp hơn DN sẽ chấp hành nộp thuế tốt hơn và có điều kiện tích lũy đầu tư phát triển cao hơn, nhờ đó nộp thuế nhiều hơn do quy mô lợi nhuận tăng”.
Chung quan điểm thu thuế đúng, thu đủ cùng Đại biểu Trần Xuân Hòa, Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, việc giảm thuế suất thuế TNDN sẽ làm giảm nguồn thu của NSNN khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên phần giảm thu này sẽ tăng tương ứng phần vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần khắc phục có khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động có hoạt động đầu tư mở rộng dưới nhiều hình thức đa dạng: mở một phân xưởng sản xuất mới, dây chuyền sản xuất mới, xây dựng cơ sở sản xuất mới tại cùng địa bàn hoặc khác địa bàn nơi có trụ sở chính hạch toán kế toán độc lập, thành lập pháp nhân mới hoặc chỉ là cơ sở hạch toán phụ thuộc…
Liên quan đến ưu đãi thuế suất, Đại biểu Trần Xuân Hòa và Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục đề xuất bổ sung thêm đối tượng thuộc diện này. Đó là Dự án chế biến nông sản sử dụng nguyên liệu nội địa; và các dự án chế biến sâu khoáng sản cho phù hợp với chính sách khuyến khích chế biến sâu khoáng sản (không gồm khâu khai thác khoáng sản). Lấy thực tế từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Đại biểu Trần Xuân Hòa cho hay, để xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện than công suất 220 MW cần vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD chỉ tạo ra được doanh thu khoảng 1,4 ngàn tỉ đồng/năm; hoặc xây dựng một mỏ than hầm lò công suất 2 triệu tấn/năm cần vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD và thời gian xây dựng từ 5-7 năm chỉ tạo ra doanh thu khoảng 2,8 ngàn tỉ đồng/năm.
Về phần mình Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu đưa các Dự án chế biến nông sản sử dụng nguyên liệu nội địa thì các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ được tăng sức chiến đấu, cải thiện giá trị gia tăng trên thị trường. Bên cạnh đó, động thái trên còn thể hiện quan điểm hướng đến người sản xuất trực tiếp (người nông dân – PV), đây là biện pháp mang tính chiến lược với ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế.
T.L(PetroTimes)
Luật sư tại hà nội, luật doanh nghiệp, thuế doanh nghiệp, văn phòng luật sư hà nội, công ty luật hà nội