(Seatimes) Dự thảo luật Phá sản (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có đề cập đến vấn đề dỡ bỏ kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng có thể bị tòa án tuyên bố phá sản chỉ trong vòng tối đa 15 ngày.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó gồm cả ngân hàng được coi là các đối tượng “không thể đổ vỡ” vì liên quan đến tiền gửi của đại bộ phận người dân, sự an toàn của cả hệ thống tài chính quốc gia.
Tuy trong thời gian qua hoạt động ngân hàng cũng cho thấy những vấn đề cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Theo đó dự thảo lần này, luật Phá sản đã dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức này. Một nội dung rất mới của dự thảo luật là việc áp dụng các quy định về thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng. Đa số ý kiến của các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành.
Theo dự thảo, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.
Đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Toà án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản đối với tổ chức tín dụng.
Về thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay….theo quy định của dự thảo thì sẽ ưu tiên các khoản hoàn trả đặc biệt. Tức tổ chức tín dụng trước khi phá sản được vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn không phục hồi được mà bị đóng cửa thì phải hoàn trả khoản này trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.
Đối với khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức thì dự thảo luật quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người có tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với Chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về dự thảo, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Trung cho rằng: “Đây là quy định tiến bộ. Vì theo đó Ngân hàng không còn là một tổ chức quá đặc biệt. Ngân hàng sẽ cũng như một doanh nghiệp thông thường nếu làm ăn không hiệu quả thì phá sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh đặc biệt có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đến nền tài chính quốc gia. Trước mắt khi Ngân hàng hoạt động yếu kém thì tình trạng mua bán, sáp nhập có thể vẫn là giải pháp duy nhât, chứ chưa thể đưa ngay và áp dụng ngay quy định có trong dự thảo”.
Ở khía cạnh pháp lý khác, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: “Bản chất của tuyên bố phá sản doanh nghiệp là khai tử về mặt pháp lý của doanh nghiệp đó, vì thế theo tôi nếu khai sinh tức là đăng ký thành lập được quy định cởi mở, càng thông thoáng thuận lợi hơn thì khai tử đối với doanh nghiệp cũng cần phải nhanh chóng, thuận lợi. Xuất phát từ tuyên bố phá sản các bên có quyền nghĩa vụ liên quan sẽ khởi động một quá trình mới là xử lý nợ và giải quyết các vấn đề như lao động, tiền lương, bảo hiểm… của chấm dứt hoạt động của pháp nhân bị tuyên bố phá sản.
Dự thảo Luật sửa đổi luật phá sản quy định mới làm rõ và cụ thể thêm về trình tự, thủ tục phá sản, tuyên bố phá sản của Tổ chức tín dụng, theo tôi là việc làm cần thiết vì nó sẽ quy định rõ thêm những nét đặc thù riêng có và sự thận trọng trong quy trình, thủ tục của phá sản tổ chức tín dụng. Một vấn đề theo tôi cũng cần phải tính toán thật kỹ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền gửi tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng vì họ là những chủ nợ bất đắc dĩ trong trường hợp này.”
Theo Băng Tâm