Sửa luật để giảm án tử hình

74

Báo cáo trước QH, VKSND Tối cao đề nghị tiếp tục sửa BLHS, BLTTHS để giảm bớt hình phạt tử hình.

 

Pháp Luật TP.HCM trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện về vấn đề này.

Quy định chặt hơn điều kiện xử tử hình

. Phóng viên: Năm 2009, QH đã sửa BLHS, giảm bớt số tội danh quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Vậy lần sửa tới, làm thế nào để giảm thêm?

 Ông Nguyễn Văn Hiện: Trong tiến trình cải cách tư pháp, chủ trương của Đảng là giảm án tử hình. Cách làm là sửa đổi các văn bản pháp lý để giảm bớt hình phạt tử hình, chứ không nên hiểu là luật quy định trường hợp ấy phải tử hình nhưng xử lại nhẹ hơn. Thẩm phán xét đầy đủ các tình tiết của vụ việc, các yếu tố nhân thân của bị cáo, thấy chiếu theo luật thì hình phạt tử hình cũng được mà chung thân cũng được, thì với tinh thần cải cách tư pháp chỉ nên xử phạt chung thân.

 

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa này có nội dung sửa BLHS, BLTTHS. Vì vậy, cần nghiên cứu xem còn những tội danh nào không nhất thiết phải tử hình. Với những tội cần giữ hình phạt tử hình thì nên quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các tình tiết định khung. Chẳng hạn, luật hiện hành yêu cầu bốn tình tiết tăng nặng là có thể bị tử hình thì giờ bổ sung thành sáu tình tiết. Đấy cũng là cách để giảm bớt án tử hình trên thực tế.

Tư tưởng chung là phải giảm. Nhưng giảm cụ thể ở tội danh nào, trường hợp nào thì nhà làm luật phải tính kỹ. Trên thế giới, đây là vấn đề được nhiều nước quan tâm nhưng còn tranh cãi. Nước phản đối án tử hình có cái lý của họ, còn nước duy trì hình phạt này cũng có quan điểm riêng. Ngay như nước Mỹ vẫn có những bang giữ hình phạt tử hình.

Ở ta, cho đến nay quan điểm vẫn là giảm dần hình phạt tử hình cả trên phương diện pháp luật và áp dụng trong thực tế.

. Liệu có thể thay tử hình bằng chung thân không giảm án trong một số tội danh không?

+ Rất khó. Chính sách hình sự của ta là cải tạo có tiến bộ thì được giảm án và nó cũng được áp dụng cho cả án tù chung thân. Muốn quy định hình phạt mới, phải điều chỉnh chính sách hình sự.

Cần đánh giá về giảm án, đặc xá

. Vậy thì sửa cả Luật Đặc xá để mở đường giảm bớt việc thi hành án tử hình trên thực tế?

+ Cũng không được. Ở phạm trù giảm án, các nước quy định rất chặt chẽ, gần như án đã tuyên là phải chấp hành hết, thời gian được giảm án không đáng kể. Còn ta thì hơi khác. BLHS quy định hình phạt rất nặng và tòa xử cũng rất nghiêm khắc nhưng tới khâu thi hành án phạt tù thì việc giảm án lại khá rộng rãi. Ủy ban Tư pháp đã báo cáo với Thường vụ QH, cho rằng cần đánh giá thêm về việc giảm án, đặc xá.

Ngay các cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về thi hành án hình sự và cơ quan chuyên trách về đấu tranh, phòng chống tội phạm cũng chưa mổ xẻ, phân tích sâu được tình hình tái phạm. Chưa bóc tách được trong số tái phạm ấy thì thực tế họ đã được giáo dục, cải tạo thế nào trong nhà tù, bao nhiêu phần trăm đã được giảm án, đặc xá. Chứ nếu giảm án, đặc xá dễ dàng quá thì có khi mất tính nghiêm minh của hình phạt.

. Chính phủ đề nghị sửa luật để tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ông thấy thế nào?

+ Tôi thấy một số cơ quan pháp luật và cả nhận thức của một bộ phận xã hội cho rằng cứ phải phạt thật nặng, tù thật lâu thì mới răn đe, phòng ngừa tội phạm. Chẳng hạn, tình hình tội phạm ở người vị thành niên đang diễn biến phức tạp, phía Bộ Công an sốt ruột đề nghị sửa luật, tăng nặng hình phạt với người vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Cách nghĩ ấy chưa hẳn đúng. Ở nước ngoài vẫn có những vụ việc trẻ vị thành niên dùng súng bắn cả trường, chết bao người mà có bao giờ họ đặt ra việc tăng nặng hình phạt với người chưa trưởng thành đâu.

Tôi cho rằng về mặt chính sách pháp luật, không thể vì những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, vì bức xúc xã hội mà làm luật. Chỉ điều chỉnh chính sách hình sự để giải quyết những vấn đề mang tính phổ biến chứ không để trừng trị những cá nhân đơn lẻ.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, có ba lý do mà cơ quan này đề xuất việc giảm án tử và sửa Luật Thi hành án hình sự:

+ Quy định như hiện hành gây khó khăn trong hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự, không chỉ trong ký kết mà cả trong quá trình thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Phòng, chống tội phạm tham nhũng, ma túy rất cần sự hợp tác quốc tế nhưng luật của ta quy định hình phạt với loại tội này có thể tới tử hình, trong khi nước khác hình phạt nhẹ hơn, nên họ không muốn hợp tác hoặc có thì mức độ, không chấp nhận dẫn độ tội phạm cho ta xét xử.

+ Thứ hai, việc tổ chức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng nhất là không có nguồn thuốc để thi hành án. Chúng tôi đề nghị sửa Luật Thi hành án hình sự để khắc phục khó khăn này nhưng Ủy ban Tư pháp cho rằng luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống, chưa vội sửa.

+ Thứ ba, xu thế toàn cầu, nhiều quốc gia đang giảm bớt tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình. Nước mình cũng trong xu thế ấy. Tất nhiên, loại bỏ ngay lập tức thì khó vì xã hội vẫn lên án mạnh mẽ, vẫn đòi hỏi hình phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất cho một số trường hợp phạm tội. Cho nên giảm dần mức nào, bao giờ loại bỏ cần sự đồng thuận xã hội mà trước hết là QH.

Công ty Luật Hưng Nguyên – NGHĨA NHÂN thực hiện