Chưa nên bỏ chính sách ân hạn thuế

108

Việc bỏ ân hạn thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với tình hình kinh tế nước ta hiện nay.

Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế. Nội dung được quan tâm nhất là đề xuất bỏ chính sách ân hạn thuế trong dự thảo. Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến chưa nên bỏ chính sách này.

Thà mất thuế nhưng thuận lợi

Hiện nay doanh nghiệp (DN) chấp hành tốt pháp luật khi nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ được hưởng thời hạn nộp thuế là 275 ngày, thay vì phải nộp thuế ngay (gọi là ân hạn thuế). Thông thường, các DN xuất hàng đi trước thời hạn 275 ngày nên không phải nộp thuế. Theo dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, DN phải nộp thuế ngay hoặc được ngân hàng bảo lãnh thì mới được nộp thuế sau 275 ngày. Thời gian qua rất nhiều DN đã phản ứng với nội dung sửa đổi này.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết ông đã nhận được kiến nghị của nhiều hiệp hội ngành hàng như ngành dệt may, bông, gỗ mỹ nghệ, thủy sản… Các hiệp hội cho thấy việc ân hạn thuế có liên quan đến hơn 5 triệu lao động trong các ngành, liên quan đến 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm, chi phí tài chính tăng lên 1,5 tỉ USD, giá xuất tăng lên, DN xuất khẩu càng khó khăn.

“Tôi thấy chưa cần thiết phải bỏ ân hạn này. Lý do, đúng là có một số ít DN có tiêu cực, có lợi dụng chính sách ân hạn để chây ì nộp thuế, giải thể để chiếm thuế. Việc ngăn chặn những hành vi này là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần hướng đến việc tạo thuận lợi cho số đông. Cái cần sửa là tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế!” – đại biểu Trần Du Lịch góp ý.

DN tốt khỏi cần bảo lãnh

Có ý kiến cho rằng nghĩa vụ nộp thuế thì phải làm ngay nhưng nên nộp một phần. Theo đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM), nên cho DN tạm nộp tiền thuế bằng một phần số thuế phải nộp, tỉ lệ tạm nộp cụ thể là bao nhiêu phần trăm thì cho Chính phủ quy định, tùy tình hình kinh tế và năng lực của DN. Làm như vậy có thể hài hòa, vừa hỗ trợ DN vừa tăng cường quản lý.

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ ân hạn thuế thì đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) lại ủng hộ dự thảo. Ông phân tích: “Bỏ ân hạn thuế nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuế, chống chây ì, dây dưa, chiếm dụng tiền thuế. Ngoài ra, bỏ ân hạn còn đảm bảo bình đẳng giữa các DN, kích thích DN dùng nguyên liệu trong nước. Việc bỏ ân hạn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thái Lan, Nhật, Canada, Lào, Campuchia… đâu có ân hạn. Nếu có cho ân hạn thì cũng cần phải có tài sản thế chấp như New Zealand”.

Mặc dù phân tích và dẫn chứng nhiều số liệu, thông lệ theo hướng phải bảo lãnh để ân hạn thuế nhưng chính đại biểu Trần Quang Chiểu cũng cho rằng “nên có cơ chế cho DN làm ăn nghiêm túc được đăng ký để khỏi phải làm bảo lãnh”!

Đại biểu VŨ HUY HOÀNG (Lạng Sơn) – Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Thủ tục bảo lãnh còn gây phiền

Bộ Công Thương đã trình ý kiến là chưa nên sửa quy định ân hạn thuế. Dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2013 chỉ khoảng 10% mà chúng tôi đang rất lo không biết có cách nào tăng! Vì vậy xin Quốc hội xem xét chưa chấp thuận việc bỏ ân hạn thuế này.

Việc cho nộp thuế sau 275 ngày nhưng bắt bảo lãnh sẽ rất khó khăn. Ví dụ Hiệp hội Da-Giày Việt Nam cho biết nếu áp dụng bảo lãnh thì mỗi năm tăng thêm 600 triệu USD chi phí, trong khi kim ngạch xuất khẩu cả ngành chỉ có 6 tỉ USD. Thủ tục bảo lãnh cũng chưa thuận tiện.

 

Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Nộp thuế ngay là… thông lệ quốc tế!

Có 20% DN thường xuyên chây ì, vi phạm về hải quan, thuế. Từ đầu năm đến nay có gần 5.800/310.000 lô hàng nợ thuế. Số thuế không thu hồi được do DN bỏ trốn là khoảng 500 tỉ đồng.

Chúng tôi đã tính rồi, số hàng nhập khẩu cần bảo lãnh có tổng kim ngạch khoảng 6,3 tỉ USD, tính ra chỉ khoảng 130 triệu USD tiền thuế phải nộp. Với số thuế này và mức bảo lãnh 0,05%/tháng thì chi phí tăng thêm 0,013% mà thôi.

Thông lệ quốc tế là “có thuế thì phải nộp” và cũng chỉ ân hạn với điều kiện có bảo lãnh. Chúng ta tạo điều kiện cho gia công hàng xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo quản lý được.

Thu thuế phản cảm

Dự thảo viết “không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh hiểm nghèo, cấp cứu có tính chất bất khả kháng ở cơ sở khám, chữa bệnh”. Quy định này phản cảm quá! Cấp cứu mà còn phải “có tính chất bất khả kháng” nữa là sao? Bệnh mà còn “hiểm nghèo” nữa là sao? Dự thảo như vậy là không thể hiện tính nhân ái, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hình sự thì chỉ bệnh nặng là không áp dụng kê biên rồi.

Đại biểu NGUYỄN MẠNH CƯỜNG  (Quảng Bình)

Kiểm tra lại trong 10 năm là quá dài

Theo dự thảo, hồ sơ hoàn thuế có thể bị kiểm tra lại trong vòng 10 năm. Thời hạn 10 năm này là quá dài. Tôi đề nghị giảm còn ba năm là phù hợp.

Đại biểu TRẦN XUÂN HÒA(Quảng Ninh)

QUỲNH NHƯ