Thu nhập 13,5 triệu đồng mới phải đóng thuế nếu có người phụ thuộc?

86

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều nay 5/11 về dự thảo Luật Thuế TNCN, nhiều đại biểu đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 4,5 triệu đồng/tháng, nhất là đối với người phục thuộc mắc bệnh nan y và thời điểm áp dụng luật ngay từ 1/1/2013.

Chiều nay 5/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dự thảo luật được Chính phủ trình bày trước Quốc hội hôm 26/10 vừa qua và sẽ tiến hành biểu quyết thông qua vào ngày 20/11 tới.

Tại phiên thảo luận về dự thảo luật chiều nay, nội dung được các đại biểu đoàn TPHCM tập trung thảo luận và cho ý kiến nhiều nhất là thời điểm áp dụng luật và mức giảm trừ gia cảnh.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh, dự thảo luật Thuế TNCN nên nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 4,5 triệu đồng/người/tháng thay cho mức 3,6 triệu đồng/người/tháng như Chính phủ đã đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đề xuất mức giảm trừ gia cảnh đối với người bị bệnh nan y, có thể tăng gấp đôi là 7,2 triệu đồng/tháng/người. Bởi theo vị đại biểu này, một người nếu bị chạy thận, ung thư máu… thì phải cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Thêm chí, công chức, viên chức nếu bị mắc các bệnh nan y có thể miễn luôn tiền thuế.

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dự thảo luật nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng/người/tháng “chủ yếu dành cho người thu nhập thấp. Sống ở Sài Gòn mỗi tháng 20 triệu đồng cũng không quá cao. Khi có biến động cuộc sống, nhu cầu các con đi học cũng vô cùng. Mức điều tiết này giúp đối tượng thu nhập thấp, trung bình nên có thêm một số trường hợp được cứu xét, cũng giống như doanh nghiệp thua lỗ được chuyển lỗ”.

Tuy nhiên, vị đại biểu này bày tỏ thái độ băn khoăn phạm vi của dự án luật không quản lý hết thu nhập của nhiều người. Ví dụ như đối tượng nộp thuế là ca sỹ, thuế ở đây là thu nhập chứ không phải lương, nếu không quản lý được thu nhập của nhóm đối tượng này sẽ dẫn đến thất thu thuế. “Công chức cũng thu nhập 5 – 7 triệu đồng/tháng mà có người có nhà lầu, xe hơi, nuôi con nhỏ. Thế nên, có những khoản không quản được nên bất công…”, vị đại biểu này nói.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị các nhà làm luật cùng với việc chỉnh sửa phải có biện pháp tăng cường quản lý việc thất thu về thu nhập.

Cùng với kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, nhiều đại biểu cho rằng, thời điểm Luật có hiệu lực cần áp dụng ngay từ 1/1/2013, chứ không nên để đến 1/7/2013 như Chính phủ đề xuất.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét dự thảo luật lần này có sự cải tiến vượt bậc trong việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định, khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC.

“Chính vì có nội dung này, tôi kiến nghị thời điểm có hiệu lực nên áp dụng kể từ ngày 1/1/2013, vừa giúp cho nền kinh tế phục hồi nhờ tiêu thụ được hàng hóa tồn kho. Trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế đến nền kinh tế phục hồi nhanh, việc giảm thuế là hỗ trợ có cấp số nhân hơn chúng ta triển khai tăng đầu tư. Tăng thu nhập tức là tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng”, đại biểu này phân tích.

Ngoài ra, thời điểm áp dụng luật 1/1/2013, theo ông Ngân, cũng cũng giúp chúng ta tiện lợi hơn khi tính chỉ số 20%. “Ví dụ như hỏi lạm phát ngày 1/7/2011 là bao nhiêu tôi không nhớ nhưng hỏi lạm phát năm 2011 sẽ biết ngay là 18,13%. Như vậy, nếu chúng ta tính mốc từ đầu năm để chúng ta lưu ý đến chữ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh rất dễ dàng”, ông Ngân nói thêm.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước lại bảy tỏ sự lo ngại việc giá cả lợi dụng việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh để tăng giá bất hợp lý. “Mức giảm trừ với người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng, sao không lên 4,5 triệu đồng/người/tháng để tạo thuận lợi thu nhập cho người thu nhập, trang trải thêm cho người phụ thuộc. Dù là 3,6 triệu đồng hay 4,5 triệu đồng, mỗi khi tăng lương cho người lao động hoặc giảm trừ… thì dường như lúc nào chúng ta cũng phải chạy theo tăng giá thị trường. Do đó, Nhà nước cần thiết có chính sách vĩ mô để không vô hiệu hóa những nỗ lực để gia tăng thu nhập cho người lao động”, đại biểu Phước đề xuất.