Luật Sư Hưng Nguyên: Tranh tụng như cách hiểu thông thường là việc từng bên đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hay toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Trong tố tụng hình sự, tham gia vào quá trình tranh tụng bao gồm các bên: Bên buộc tội và bên bào chữa. Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa là một trong số các chủ thể của bên buộc tội, tương tự, Luật sư cũng là một chủ thể của bên bào chữa. Thế nhưng, quá trình tranh tụng cũng như kết quả tranh tụng giữa Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa được coi là quan trọng nhất của phần tranh luận tại phiên tòa.
Khi tham gia phiên tòa, bên cạnh những mục tiêu chung thì việc tranh tụng của Kiểm sát viên và của
Luật sư bào chữa có những mục đích khác nhau. Nếu mục đích tranh tụng của Luật sư là nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát thì mục đích tranh tụng của Kiểm sát viên là bảo vệ quan điểm của
Viện kiểm sát trong cáo trạng, thuyết phục Hội đồng xét xử ra các quyết định theo ý kiến đề nghị của mình mà không theo ý kiến đề nghị có tính chất đối lập của Luật sư bào chữa. Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đánh giá kết quả tranh tụng của Kiểm sát viên cần dựa theo các tiêu chí sau đây:
– Kiểm sát viên có đủ lập luận và lập luận có căn cứ để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát nêu trong cáo trạng hay không?
– Kiểm sát viên có đưa ra được các căn cứ pháp lý để bác bỏ ý kiến đối lập của Luật sư bào chữa hay không?
– Kiểm sát viên có thuyết phục được Hội đồng xét xử ra các quyết định theo ý kiến đề xuất của mình kể cả về tội danh, mức hình phạt, mức độ trách nhiệm dân sự, biện pháp thi hành các quyết định… (án treo, hoãn thi hành án phạt tù) hay không?
– Nếu việc tranh tụng tiến hành tại phiên tòa phúc thẩm thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên có thuyết phục được Hội đồng xét xử thuộc Tòa án cùng cấp giữ nguyên quyết định của Tòa sơ thẩm khi Tòa sơ thẩm đã chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát cấp dưới hay không? Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên có đưa ra được các căn cứ để bảo vệ cho quan điểm trong kháng nghị hay không?
Như vậy, rõ ràng để đánh giá chính xác kết quả hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên cần thiết phải có cách nhìn tương đối tổng quát về diễn biến phiên tòa và không thể không xem xét tới mối tương quan giữa lời đề nghị của Kiểm sát viên và quyết định của Hội đồng xét xử.
Trong tố tụng hình sự, cáo trạng của Viện kiểm sát chính là quan điểm của Viện kiểm sát sau khi kết thúc giai đoạn truy tố. Cáo trạng của Viện kiểm sát có thể đồng nhất với quan điểm của Cơ quan điều tra nêu trong bản kết luận điều tra và cũng có thể khác với quan điểm của Cơ quan điều tra (Thí dụ, Viện kiểm sát bổ sung hoặc loại bớt số các bị can bị truy tố; Viện kiểm sát truy tố các bị can theo một tội danh nặng hơn hoặc nhẹ hơn). Vì vậy, tại phiên tòa, trong bất kỳ tình huống nào, khi Kiểm sát viên thực hiện sự tranh tụng có nghĩa là người này đang bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát. Chính vì vậy, việc lập luận để bảo vệ quan điểm của cáo trạng không thể giống hoàn toàn như lập luận của Cơ quan điều tra khi họ đề nghị Viện kiểm sát truy tố các bị can được nêu trong kết luận điều tra. Có thể không ít các Kiểm sát viên chưa thấy được điều này nên trong phần tranh luận với Luật sư bào chữa hầu như chỉ đưa ra các lập luận mà Cơ quan điều tra đã nêu trong kết luận điều tra. Hội đồng xét xử, bên bào chữa cũng như tất cả những người dự phiên tòa sẽ không được thuyết phục nếu Kiểm sát viên không đưa ra các lập luận cần thiết để bảo vệ quan điểm truy tố của mình. Phiên tòa là một cuộc điều tra công khai, vì thế sau phần xét hỏi sẽ xuất hiện những tình tiết mới mà những tình tiết này có thể có giá trị củng cố quan điểm của Viện kiểm sát nêu trong cáo trạng hoặc phản bác một phần hay toàn bộ cáo trạng. Trong thực tế, không ít các Kiểm sát viên không quan tâm đến kết quả của phần xét hỏi nên đã chuẩn bị trước một văn bản viết sẵn để đọc khi tranh tụng. Và rõ ràng, ý kiến của Kiểm sát viên nêu trong bài phát biểu đó (mặc dù đã được viết sẵn) nhưng sẽ bị lạc lõng bởi nó không bám sát vào diễn biến của phiên tòa. Nhiều trường hợp, khi ra tòa bị cáo đã nhận tội, trước phiên tòa gia đình bị cáo đã khắc phục một phần hay toàn bộ hậu quả do tội phạm gây ra… nhưng Kiểm sát viên vẫn cho rằng bị cáo là người ngoan cố, không có những hành vi và việc làm cụ thể nhằm làm giảm bớt thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc cố tình không khắc phục hậu quả.
Lập luận của Kiểm sát viên được coi là có căn cứ khi Kiểm sát viên sử dụng kiến thức của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý tội phạm, khoa học chứng cứ, khoa học dấu vết, kế toán, thống kê… nếu hành vi tội phạm liên quan tới lĩnh vực đó để bảo vệ quan điểm buộc tội nêu trong cáo trạng. Rất đáng tiếc là hiện nay đa số các Kiểm sát viên, ngoài kiến thức cơ bản về luật đã được học trong giai đoạn đào tạo cử nhân và một số kỹ năng hoạt động công tố thì các lĩnh vực khoa học khác hầu như chưa được họ quan tâm nghiên cứu và cơ quan chủ quản cũng chưa tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các Kiểm sát viên. Thí dụ, trong thời gian gần đây, khi tiến hành giải quyết một số vụ án liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) không ít các Kiểm sát viên đã lúng túng khi tiếp xúc với các khái niệm về kinh tế dẫn đến khó khăn khi lập luận bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Ngoài ra, một lập luận được coi là có căn cứ khi nó phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; điều này có nghĩa là những lập luận và đề xuất của Kiểm sát viên trước phiên tòa bao giờ cũng phải kèm theo viện dẫn các điều luật, khoản luật, văn bản pháp luật cụ thể đang có hiệu lực pháp luật. Để thực hiện được điều này, rõ ràng không phải là chuyện dễ. Nếu Kiểm sát viên không mang tới phiên tòa các văn bản pháp luật, không theo dõi sát sao diễn biến phiên tòa và phản ứng nhanh nhậy với các diễn biến đó thì Kiểm sát viên không thể và không kịp phản ứng với những tình huống khi bên bào chữa hoặc Hội dồng xét xử đưa ra đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến. Trong phiên tòa, mặc dù luật tố tụng hình sự quy định phần tranh tụng là phần tiếp nối của phần xét hỏi thế nhưng thực tế ngay khi Kiểm sát viên đặt các câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đã thể hiện quan điểm tranh tụng của Kiểm sát viên. Khi nghe các Kiểm sát viên đặt các câu hỏi, người ta cũng đã có thể biết được sắp tới Kiểm sát viên sẽ dựa vào những chứng cứ, tài liệu nào để tranh luận hoặc sẽ đề xuất với hội đồng xét xử những vấn đề gì. Tuy nhiên, trong thực tế, số các Kiểm sát viên tham gia một cách tích cực vào quá trình xét hỏi rất ít. Đa số họ bị thụ động và thậm chí không ít người ỷ lại vì nghĩ rằng công việc xét xử và ra các bản án hoặc quyết định là của Tòa án, quan điểm của Viện kiểm sát đã được thể hiện trong cáo trạng, lời luận tội đã được viết sẵn trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban kiểm sát. Việc thụ động khi tham gia xét hỏi tất yếu sẽ dẫn đến thụ động khi tham gia tranh tụng đặc biệt là khi đối đáp với Luật sư bào chữa. Theo quy định của luật tố tụng hình sự hiện hành thì Luật sư luôn được quyền phát biểu sau Viện kiểm sát. Vì thế nếu Kiểm sát viên không lường trước tình huống khi bị Luật sư bào chữa phản bác lại lời buộc tội thông qua các lập luận và sự viện dẫn các quy định của pháp luật hiện hành thì khó có thể đối đáp lại các quan điểm của Luật sư bào chữa đưa ra.
Từ thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng, nếu Hội đồng xét xử thực sự là người đứng giữa hai bên (bên buộc tội và bên bào chữa) và nếu họ không nghiên cứu hồ sơ trước, được thực sự độc lập khi xét xử (giống như ở một số nước hiện nay theo kiểu tố tụng tranh tụng) thì không ít các vụ án Hội đồng xét xử sẽ bác bỏ cáo trạng và quyết định vụ án theo ý kiến của Luật sư bào chữa. Điều này có nghĩa là chất lượng tranh tụng của các Kiểm sát viên ở nước ta hiện nay chưa cao, chưa phù hợp với kiểu tố tụng hình sự xét hỏi – tranh tụng đang tồn tại ở nước ta. Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong các phiên tòa, cần thiết phải tiến hành một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các Kiểm sát viên;
Hai là, từng Kiểm sát viên phải nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và chuẩn bị cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa;
Ba là, hoàn thiện pháp luật và các quy định khác bảo đảm tính độc lập tương đối của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa.
Như chúng ta đã biết, tội phạm diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi giải quyết một vụ án hình sự, những người tiến hành tố tụng nói chung và Kiểm sát viên nói riêng bắt buộc phải tiếp xúc với nhiều tình huống khác nhau liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau và nếu Kiểm sát viên không nắm được các kiến thức cơ bản của chuyên ngành đó thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Lẽ đương nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, chúng ta cũng không thể có kinh phí và thời gian để đào tạo một người biết được tất cả các lĩnh vực trước khi trở thành Kiểm sát viên. Vì vậy, việc tổ chức các lớp học để bồi dưỡng các kiến thức về các chuyên ngành khác nhau cho Kiểm sát viên là rất cần thiết. Mặc dù hiện nay, trong ngành Kiểm sát đã tổ chức các bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật khác nhau như các bộ phận bao gồm các Kiểm sát viên chuyên tham gia tố tụng các vụ án giết người; các Kiểm sát viên chuyên tham gia tố tụng các vụ án ma túy; các Kiểm sát viên chuyên tham gia tố tụng các vụ án về tham nhũng và tội phạm về chức vụ… nhưng thực tế từng Kiểm sát viên trong các bộ phận đó chưa đảm trách tốt công việc của mình, đặc biệt khi tranh tụng tại phiên tòa thì hiệu quả còn thấp. Việc mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng cho các Kiểm sát viên về các chuyên ngành như tâm lý chung và tâm lý tội phạm, giám định tư pháp, khoa học dấu vết, sở hữu trí tuệ, thẩm định giá, tài chính ngân hàng, kế toán, thống kê… Các kiến thức nêu trên chắc chắn sẽ giúp đỡ các Kiểm sát viên rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Để có thể tranh tụng có hiệu quả, Kiểm sát viên phải nắm bắt tiến trình giải quyết vụ án ngay từ khi vụ án được khởi tố, điều tra. Hiện nay, ngành Kiểm sát đã quy định “thông khâu” trong hoạt động kiểm sát. Theo tôi, đây là một chủ trương đúng, nó tạo điều kiện cho Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra đến các giai đoạn sau của tố tụng hình sự và Điều tra viên nắm bắt nội dung vụ án một cách chắc chắn, chi tiết tỷ mỷ. Tuy nhiên, việc bảo vệ các quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa cơ bản lại phụ thuộc vào cá nhân Kiểm sát viên tham gia tố tụng. Vì vậy, nếu các Kiểm sát viên không nêu cao trách nhiệm cá nhân trong công việc thì chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hành quyền công tố trong đó có tranh tụng tại phiên tòa sẽ hoặc không thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả. Nếu Kiểm sát viên thụ động trong việc kiểm sát điều tra thì về cơ bản cáo trạng của Viện kiểm sát sẽ không khác gì kết luận điều tra. Tương tự, việc thụ động của Kiểm sát viên trong phiên tòa xét xử sẽ đẩy Tòa án vào tình thế khó khăn và khi đó Tòa án không còn giữ được vai trò là cơ quan xét xử nữa vì Hội đồng xét xử dường như đã trở thành cơ quan buộc tội buộc phải hỏi lại tất cả diễn biến của vụ án – điều mà hiện nay đang gây phản cảm rất lớn trong xã hội cũng như trong giới nghiên cứu khoa học luật tố tụng hình sự.
Việc tranh tụng tại phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với các quyết định của Hội đồng xét xử nên cần thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong tranh tụng. Pháp luật tố tụng hình sự cần sửa đổi theo hướng Hội đồng xét xử là người điều khiển phiên tòa còn Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa phải chủ động tham gia xét hỏi cũng như đưa ra các quan điểm, kiến nghị của mình khi tranh luận. Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải được độc lập. Nếu qua phần xét hỏi hoặc tranh tụng thấy có đủ căn cứ để rút một phần hay toàn bộ cáo trạng thì Kiểm sát viên có quyền thực hiện điều đó và phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc làm của mình. Tất cả những việc làm trên đây không những có tác dụng nâng cao hiệu quả của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa mà còn là điều kiện để tố tụng hình sự nước ta ngày một dân chủ và có chất lượng, hiệu quả cao hơn./.
PGS.TS. Phạm Hồng Hải
Địa chỉ trụ sở chính: Lô 6, B 20 khu đô thị Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 04. 8585 7869 Mobile: 098 775 6263