Khách hàng hỏi: Xin hỏi việc cung cấp thông tin về người khác có phạm luật không?
Luật sư tư vấn trả lời: Nhân viên nhà mạng bán thông tin cá nhân của chủ thuê bao cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật dân sự: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý… trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông cũng quy định: Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
– Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;
– Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông;
– Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông;
– Các mục đích khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo các quy định trên thì thông tin cá nhân của chủ thuê bao không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa; việc rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao là vi phạm pháp luật. Hành vi rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao tùy từng mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng. Người vi phạm còn bị buộc thu hồi lợi nhuận do vi phạm mà có.
Khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…”.
Điều luật còn có một khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu việc để lộ thông tin cá nhân của chủ thuê bao là do nhà mạng thì nhân viên nào có hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP.
Trường hợp nhân viên nhà mạng bán thông tin cá nhân của chủ thuê bao cho người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự. Với tình tiết “Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” người phạm tội có thể bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù giam, bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Công ty luật Hưng Nguyên St