Đã đến lúc bỏ chế định bào chữa viên nhân dân

83

Theo BLTTHS hiện hành, bào chữa viên nhân dân có thể là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định này đang được các chuyên gia đề nghị sửa đổi vì không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Bào chữa viên nhân dân (BCVND) xuất hiện do hoàn cảnh lịch sử của nước ta, xuất phát từ quy định “người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mướn luật sư” tại Điều 67 Hiến pháp năm 1946. Thời ấy, nước ta đang có chiến tranh, nghề luật sư chưa phát triển được nên Bác Hồ mới quy định về BCVND trong Sắc lệnh số 69 ngày 18-6-1949 nhằm đảm bảo quyền bào chữa cho người bị đưa ra xét xử hình sự.

Hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi

Theo Nghị định số 01 ngày 12-1-1950 của Bộ Tư pháp, điều kiện để trở thành BCVND bao gồm: có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, ít nhất 21 tuổi, hạnh kiểm tốt và chưa can án…

Từ đó, đầu mỗi năm, ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, thành và chánh án lập ra một danh sách các người trong địa phương có đủ điều kiện và bằng lòng đứng ra bào chữa trong các phiên tòa (trừ tòa án binh tại mặt trận). Về phần mình, người bị xét xử có thể trình một danh sách ba người bênh vực và chánh án sẽ chọn một trong ba người này. Nếu người bị xét xử chọn một người có tên trong danh sách thì chánh án bắt buộc phải thừa nhận.

Sau ngày đất nước thống nhất, ở một số nơi như TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng… tiếp tục thành lập đoàn BCVND. Tuy nhiên, đến khi Pháp lệnh Luật sư 1987 có hiệu lực thì các đoàn BCVND đã không còn tồn tại. Thay vào đó, đội ngũ luật sư được thành lập trên toàn quốc đảm nhiệm hoạt động tham gia tố tụng bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đương sự.

Quy định “chỉ còn trên giấy”

Dù thực tế không còn tồn tại nhưng BCVND vẫn được quy định trong các BLTTHS năm 1998 và 2003. Theo đó, người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; BCVND.

Về mặt văn bản dưới luật, tại Thông tư 70 ngày 7-10-2011 của Bộ Công an (quy định chi tiết thi hành các quy định của BLTTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự), có quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với BCVND khi có đủ bốn loại giấy tờ sau: bản sao giấy CMND; giấy giới thiệu của Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị giam giữ, bị can là thành viên; giấy tờ chứng minh là thành viên của Ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của Mặt trận cử đến; văn bản của người bị tạm giữ, bị can đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị tạm giữ, bị can là thành viên cử người bào chữa cho họ.

Quy định này cũng tương tự hướng dẫn trong Nghị quyết 03 ngày 2-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, cả Thông tư 70 lẫn Nghị quyết 03 đều không hướng dẫn một người tiêu chuẩn như thế nào thì được công nhận là BCVND.

Cần bãi bỏ

Trong giới luật học đã có rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ chế định BCVND vì đã không còn phù hợp với hoàn cảnh của nước ta hiện nay. Chưa kể đến chuyện đang thiếu hướng dẫn về mặt tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn…, chế định BCVND cũng không ổn nếu xét về bản chất của hoạt động bào chữa.

Trong khi đó, hoạt động bào chữa về bản chất là hoạt động hành nghề không khác gì với hoạt động hành nghề luật sư. Nó đòi hỏi rất cao về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp mà bất kỳ ai khi hành nghề hay hoạt động mang tính chất nghề nghiệp đều phải đạt được ở một trình độ nhất định.

Vì vậy theo chúng tôi, đã đến lúc cần sửa đổi Hiến pháp và BLTTHS, Luật Luật sư theo hướng khẳng định quyền bào chữa trong vụ án hình sự chỉ nên dành riêng cho luật sư.

Vì chất lượng tranh tụngĐề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do VKSND Tối cao soạn thảo lại đề nghị mở rộng các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa theo hướng ngoài luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, BCVND thì trợ giúp viên pháp lý và bất kỳ ai là người thân thích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có khả năng bào chữa và được cơ quan tố tụng chấp nhận đều được tham gia bào chữa.Tại hội thảo góp ý kiến đề án do Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tổ chức ngày 16-12-2011, có ý kiến cho rằng phải xem lại việc mở rộng này. Bởi lẽ để xây dựng phiên tòa thực sự mang tính chất tranh tụng và tranh tụng có hiệu quả thì người bào chữa cần được đào tạo chuyên nghiệp, có năng lực và được thử thách trong thực tiễn như luật sư.Bỏ là đúngChế định BCVND ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù trong hoàn cảnh đất nước ta còn chiến tranh, hiện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, không còn phù hợp. Cạnh đó, BLTTHS quy định về chế định BCVND nhưng lại không hướng dẫn cụ thể để thi hành, không có sự đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa… nên đó chỉ là quy định trên giấy, cần phải bãi bỏ.Luật sư ĐỖ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt NamTập trung vào luật sưĐến năm 2003, BLTTHS cho phép Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền cử BCVND bảo vệ cho nghi can là thành viên tổ chức mình. Quy định này chủ yếu là sự ghi nhận từ các yếu tố lịch sử. Thực tế, việc quản lý danh sách BCVND thế nào, tiêu chuẩn, cơ chế cử ra sao cũng như các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho họ đều không rõ nên rất khó cho cơ quan tố tụng khi xem xét.Nên chăng cần bỏ chế định BCVND là người bào chữa trong BLTTHS sửa đổi, bổ sung sắp tới. Các nhà lập pháp cần tập trung quy định về hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự vào chủ thể tư pháp duy nhất có đủ phẩm chất, kỹ năng và đạo đức hành nghề là luật sư. Điều đó cũng phù hợp với xu thế phát triển khách quan của nghề luật sư và chủ trương cải cách tư pháp ở ta hiện nay.TS-LS PHAN TRUNG HOÀI, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư – Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa