Luật sư – Cải cách thể chế, phương thức hoạt động của Nhà nước mà Đại hội Đảng IX, X, XI nêu ra gắn liền với việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiến hành công việc đó theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng phải theo định hướng ấy.
Trước hết, phải đổi mới quan niệm và nhận thức về bản chất và vai trò của pháp luật. Lâu nay, khi bàn về bản chất giai cấp của pháp luật, chúng ta thường xuất phát từ nhận xét của C.Mác và Ph. Ăngghen đối với pháp luật tư sản viết trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Trong nhận xét này, C.Mác và Ph. Ăngghen đưa lên hàng đầu hai tư tưởng lớn mà trước đó chưa có ai khám phá đúng đắn: thứ nhất, pháp luật là phạm trù phản ánh ý chí của giai cấp thống trị; và thứ hai, nội dung của ý chí trong pháp luật là do quan hệ sản xuất giữ địa vị thống trị trong xã hội quy định. Ngoài ra, trong nhận xét này, các ông còn chỉ rõ pháp luật phải tồn tại dưới hình thức bắt buộc là luật. Đồng thời C.Mác và Ph. Ăngghen còn chỉ ra hạn chế lịch sử của pháp luật tư sản. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của tư duy pháp lý mới, không nên hiểu tính ý chí và tính quy định vật chất của pháp luật trong nhận xét của C. Mác và Ph. Ăngghen một cách máy móc, giản đơn. Bản chất của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không đơn thuần chỉ được xem xét trong mối quan hệ với giai cấp và với quan hệ sản xuất giữ vai trò thống trị cho dù đây là vấn đề cơ bản nhất mà nên xem xét thêm từ nhiều phương diện và góc độ khác nhau, trong mối quan hệ với nhiều hiện tượng phong phú của đời sống xã hội khi tìm hiểu bản chất pháp luật.
Tìm hiểu bản chất của pháp luật trong mối quan hệ với giai cấp và quan hệ sản xuất thống trị là để chỉ rõ bản chất giai cấp của nó, là quan điểm duy vật về sự ra đời và phát triển hợp quy luật của việc thay đổi các kiểu pháp luật trong lịch sử. Nó là cơ sở lý luận để bác bỏ những luận thuyết duy tâm siêu hình về pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của pháp luật không chỉ khám phá trong mối quan hệ với giai cấp mà còn phải tìm kiếm trong nhiều mối quan hệ khác, đặc biệt trong mối quan hệ với đối tượng mà nó điều chỉnh là các quan hệ xã hội. Đã có một thời, do nhận thức phiến diện, pháp luật của nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây chỉ nhấn mạnh một chiều ý chí giai cấp thống trị mà xem thường hoặc không quan tâm đầy đủ đến ý chí và lợi ích của các giai cấp khác. Điều đó đã làm cho pháp luật điều chỉnh kém hiệu quả đối với các quan hệ xã hội. Thực tiễn chỉ ra rằng, yếu tố khách quan thể hiện trong pháp luật không chỉ là tính chất của quan hệ sản xuất giữ vai trò chủ đạo mà còn là tính chất của tất cả các mối quan hệ khác. Tính khách quan của pháp luật chính là tính chất của các quan hệ xã hội ấy. Đó là yếu tố tồn tại trước pháp luật thực định (pháp luật do Nhà nước ban hành). Pháp luật thực định chính là một trong những biểu hiện tính chất của các quan hệ xã hội đó. Quan niệm về pháp luật trong mối quan hệ xã hội là một trong những quan niệm khách quan cho phép tìm ra được các tiêu chuẩn để đánh giá hiệu lực và hiệu quả cũng như giá trị xã hội của pháp luật. Trong pháp luật còn chứa đựng các yếu tố chủ quan. Đó chính là sự đánh giá chủ quan tính chất của các quan hệ xã hội. Sự đánh giá chủ quan này không đơn thuần là một dạng của ý thức tư tưởng phản ánh hiện thực mà còn là sự mong muốn có ý chí nhằm định hướng sự phát triển của các quan hệ xã hội. Do nhiều nguyên nhân, điều kiện trong đó có yếu tố chủ quan, nóng vội nên trước đây ở nước ta đã có một số đạo luật chất lượng chưa tốt và cả các đạo luật chưa phù hợp cần phải sửa đổi hoặc hủy bỏ. Yếu tố chủ quan thể hiện trong pháp luật càng đòi hỏi pháp luật phải phản ánh đầy đủ nhu cầu của xã hội, tức là phải tìm được phạm vi và mức độ điều chỉnh hợp lý. Nếu xác định đúng, chính xác điều đó, thì pháp luật sẽ điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội. Để làm việc đó, pháp luật nước ta không những phải thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà còn chứa đựng trong mình nó các thuộc tính nội tại của con người, lợi ích của các nhóm và các tầng lớp xã hội khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, pháp luật khi thể hiện tính giai cấp đồng thời phải thể hiện cả tính chất xã hội, tính nhân dân.
Pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước, làm cho nó có các thuộc tính khác biệt với các hiện tượng khác của đời sống xã hội. Trước hết, thông qua Nhà nước, ý chí thể hiện trong pháp luật biểu thị phổ biến dưới dạng ý chí quốc gia, bảo đảm cho nó không trở thành một thứ “âm thanh trống rỗng”. Điều đó làm cho pháp luật trở thành phương tiện đặc biệt điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, làm cho nó có tính “trội” hơn so với sự điều chỉnh bằng các công cụ khác như đạo đức, chính trị, tôn giáo… Pháp luật chính là một hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý được Nhà nước ghi nhận, thể chế, bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện trong thực tế bằng nhiều biện pháp khác nhau; từ việc khôi phục, khuyến khích, khen thưởng đến các hình thức cưỡng chế bắt buộc, bằng cách đó, pháp luật trở thành phương tiện cố định các khả năng và các phương án cần thiết của hành vi con người, làm cho các hành vi này mang thuộc tính ổn định, xác định và có giá trị chung. Những thuộc tính này của pháp luật được bảo đảm thực hiện chẳng những bằng nhu cầu, đòi hỏi của thực tế mà còn được bảo đảm bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà nước dựa trên sức mạnh quyền lực của bộ máy Nhà nước. Trong mối quan hệ với Nhà nước, pháp luật không đơn thuần chỉ là sự cấm đoán và bắt buộc như nhiều người quan niệm, mà còn thông qua Nhà nước, pháp luật giao cho con người một phạm vi các hành vi có thể, cũng có nghĩa là trao cho một số quyền xác định, tức là một phạm vi tự do của hoạt động, phạm vi đó không chỉ là những hành vi cần thiết mà còn là những hành vi có thể. Như vậy, pháp luật thể hiện như là một giới hạn bằng nhau của tự do trong khuôn khổ của một trật tự xã hội. Thuộc tính điều chỉnh của pháp luật tồn tại trong mối quan hệ không tách rời với Nhà nước, được sự thừa nhận chính thức của Nhà nước. Sự thừa nhận chính thức của Nhà nước về các quy tắc xử sự chung của hành vi, đến lượt nó lại tác động trở lại với Nhà nước trong mối quan hệ với xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là pháp luật phủ nhận bạo lực trực tiếp, không có tổ chức.
Pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước, không có nghĩa giản đơn là Nhà nước “đẻ” ra pháp luật. Phải xuất phát từ nhu cầu khách quan về một trật tự pháp luật cho đời sống xã hội mà dẫn đến nhu cầu Nhà nước cần phải có pháp luật. Điều đó nhấn mạnh nhiệm vụ ban hành pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu khách quan, phù hợp với đặc điểm của các quan hệ xã hội, chứ không thể chỉ coi pháp luật đơn thuần là công cụ của Nhà nước, trong tay Nhà nước, phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Nhà nước. Pháp luật là của Nhà nước, chỉ khi Nhà nước nhận thức được đầy đủ nhu cầu và giá trị của các quan hệ cần phải điều chỉnh bằng pháp luật. Pháp luật ra đời và tồn tại theo ý nghĩa đó lại là trạng thái tốt của Nhà nước, là biểu thị sự tiến bộ của một xã hội, là đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, pháp luật chính là phương tiện để quản lý chính bản thân nhà nước.
Bản chất của pháp luật còn biểu hiện trong mối quan hệ với hệ thống các quy phạm xã hội: nói đến pháp luật là nói đến tính quy phạm, tính khuôn mẫu, mực thước quy tắc xử sự của hành vi. Với thuộc tính đó, pháp luật cũng giống như các quy phạm xã hội khác như quy phạm đạo đức, tập quán, tôn giáo… Như vậy, pháp luật phải được xem như là một bộ phận trong hệ thống các quy phạm xã hội chung, chỉ trong mối quan hệ đó mà đánh giá khả năng, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật. Đây chính là quan điểm toàn diện, hệ thống, tổng thể, là phương pháp tiếp cận mới khi tìm hiểu bản chất của pháp luật.
Thừa nhận tính quy phạm của pháp luật là thừa nhận thuộc tính phổ biến, ổn định. Bởi vì, tính quy phạm tức là tính tất yếu được hình thành qua vô số các ngẫu nhiên. Tính quy phạm làm cho pháp luật có giá trị xã hội to lớn, làm cho nó trở thành cơ sở tồn tại của các kết cấu tổ chức xã hội và Nhà nước. Đồng thời, tính quy phạm còn làm cho xã hội tránh được các yếu tố ngẫu nhiên tự phát bảo đảm sự ổn định xã hội. Cùng với điều đó, quy phạm pháp luật còn có những thuộc tính khác biệt với các quy phạm xã hội khác. Sự khác biệt căn bản của quy phạm pháp luật so với quy tắc xã hội khác là ở thuộc tính bắt buộc chung. Điều đó có nghĩa là các quy phạm pháp luật, thông qua Nhà nước, ý chí thể hiện trong đó được khách quan hóa, làm cho nó độc lập với các thành viên riêng lẻ của xã hội, lại được bộ máy nhà nước bảo đảm thực hiện, nên quy phạm pháp luật bao giờ cũng có tính bắt buộc chung đối với mọi người mọi thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, không phải vì thuộc tính riêng có này mà đối lập hoặc tách rời quy phạm pháp luật với hệ thống các quy tắc xã hội. Pháp luật chỉ phát huy hiệu lực và hiệu quả trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống các quy tắc của đời sống xã hội (như các quy phạm đạo đức, chính trị, tập quán…).
Nên quan niệm pháp luật dưới một bình diện khác. Đó là, xem xét pháp luật trong trạng thái “động” hay gọi là “pháp luật trong hành động”, “pháp luật trong đời sống”. Tất cả các quan niệm đã nêu trên là việc “xem xét pháp luật trong trạng thái “tĩnh”, tức là xem xét pháp luật trong mối quan hệ với các hiện tượng gần gũi với nó. Xem xét pháp luật trong trạng thái “động” là xem xét pháp luật trong mối quan hệ với việc áp dụng, tuân thủ và thực hiện nó. Pháp luật là một hiện tượng của đời sống xã hội rất sinh động, nếu chỉ quan niệm pháp luật như là một nhu cầu mang tính chất khả năng hoặc khả năng đã được nhận thức rồi ghi nhận vào các văn bản pháp luật, thì pháp luật đó là pháp luật “tĩnh”, pháp luật “không có sức sống”. Pháp luật dù ở trong trạng thái đang nhận thức hay trạng thái đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật luôn luôn là sản phẩm của hoạt động con người, phải được thể hiện thông qua hành vi của con người, của các nhóm xã hội. Chỉ có nhìn nhận pháp luật trong hành động thực tiễn thì mới thấy hết ý nghĩa và vai trò của pháp luật. Như vậy, các quy định pháp luật không thể tách rời các hành vi pháp luật, các sự kiện pháp lý, các quan hệ pháp luật. Có như vậy, pháp luật mới thực hiện được. Với quan điểm này, rõ ràng muốn hiểu được pháp luật, ngoài việc kịp thời thể chế hóa đúng đắn các giá trị xã hội vào trong nội dung các quy phạm pháp luật, thì một đòi hỏi không thể thiếu được là phải xây dựng một cơ chế áp dụng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống, không có cơ chế đó, pháp luật chỉ dừng lại trên các trang công báo. Chính vì thế, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò của hệ thống tư pháp được đề cao, nó là một trong những bộ phận cực kỳ quan trọng của cơ chế áp dụng luật.
Từ bản chất và các thuộc tính của pháp luật nói trên, cần phải khẳng định rằng pháp luật có giá trị xã hội to lớn. Giá trị ấy bắt nguồn từ tính quy phạm và các thuộc tính về mặt xã hội của pháp luật. Tính quy phạm là kết quả của “sự chọn lọc tự nhiên” trong xã hội. Quá trình hình thành các quy phạm là quá trình loại bỏ các biến cố xã hội để có được những đặc tính ổn định, chuẩn mực. Tính chuẩn mực là đặc điểm phản ánh chân lý khách quan. Chính vì vậy, mỗi quy phạm pháp luật vừa là thước đo để kiểm nghiệm các quá trình xã hội, vừa là phương tiện để đăng tải các giá trị của xã hội mang đến cho con người những lượng thông tin nhất định về các yêu cầu, các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ. C.Mác đã viết “nhà lập pháp phải coi mình như là nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra pháp luật, ông ta không phát minh ra chúng, mà chỉ nêu chúng lên, ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà lập pháp là vô cùng tùy tiện, nếu như ông ta thay thế bản chất của các quan hệ xã hội bằng ý muốn chủ quan của mình…”. Như vậy, vai trò của pháp luật không phải là ở chỗ thúc đẩy hay kìm hãm các quá trình khách quan của xã hội một cách duy ý chí, theo ý muốn chủ quan của nhà làm luật. Pháp luật không sáng tạo ra các quan hệ xã hội, mà trên cơ sở nhận thức thực tiễn một cách chín chắn, đầy đủ, mô hình hóa thành các quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho quan hệ xã hội phát triển đúng quy luật phù hợp với sự phát triển chung. Một hệ thống quy phạm pháp luật đúng là những phương án cho sự lựa chọn các hành vi ứng xử hợp quy luật. Với tính chất là giá trị xã hội đã được mô hình hóa, quy phạm hóa, với nội dung là “chân lý” đã được nhận thức, chọn lọc sau khi bỏ qua tất cả các yếu tố ngẫu nhiên giả tạo, nhất thời, giá trị xã hội của pháp luật là ở chỗ nó là “một phạm vi bằng nhau đối với những người khác nhau”. Cùng với giá trị ấy, pháp luật được chính thức hóa bằng quyền lực của Nhà nước nên nó có khả năng thông báo quan điểm chính thức của Nhà nước, của xã hội về các khuôn mẫu của hành vi xử sự, về mô hình giải quyết các tranh chấp xảy ra trong đời sống xã hội. Ví dụ: thông tin chính thức về hành vi nào là nguy hiểm cho xã hội, hành vi nào thì bị coi là tội phạm và thái độ của Nhà nước và xã hội đối với các hành vi đó… Rõ ràng, pháp luật có giá trị đăng tải thông tin. Lượng thông tin chứa đựng trong pháp luật mạnh mẽ lên ý thức và tâm lý xã hội.
Đổi mới nhận thức vai trò của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới theo những tư duy nói trên, các văn kiện của Đảng ta đã đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội.
Gs.Ts. Trần Ngọc Đường