Một số vấn đề pháp lý trong vụ việc Người khuyết tật phản ánh bị chủ quán phở kỳ thị

27

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành một nền tảng quan trọng cho việc chia sẻ thông tin, tương tác và thậm chí là kiếm tiền. Một số người khuyết tật đã tận dụng sự phổ biến của mạng xã hội để đưa ra lời kêu gọi về sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mà việc sử dụng mạng xã hội trở thành một cách để “câu view và câu like”.

Mới đây vụ việc nam tiktoker và bạn gái tố quán ăn tại Hà Nội đuổi người khuyết tật đang khiến dư luận “dậy sóng” trong những ngày qua. Theo đó, anh VML (một người khuyết tật phải ngồi xe lăn) đã đăng lên mạng xã hội Facebook về việc anh bị đuổi ra khỏi quán khi đi ăn phở tại Hà Nội vì lý do “ngồi xe lăn”. Tại quán ăn thứ nhất, nam tiktoker ngồi xe lăn viết quán có bậc tam cấp, khi bạn gái vào nhờ người để đưa VML vào trong thì nhân viên quán bảo: “Quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”. Tại quán ăn thứ hai là một quán phở gà quen thuộc tại phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm thì anh đã bị bà chủ mắng là: “Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”.

(Lời của Tittoker khi viết về sự việc – PV)

Bài viết ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và trở thành tâm điểm, nhận được nhiều phản hồi ở nhiều chiều hướng rất khác nhau.

Nhiều người thương cảm với hoàn cảnh của nam tiktoker, tuy nhiên cũng có không ít người nghi ngờ về tính xác thực của bài đăng. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi có hàng nghìn comment, chia sẻ của nhiều người, đặc biệt nhiều người còn tìm đến quán và đề nghị chủ quán phở đăng đàn để rộng đường dư luận, đối chứng làm rõ sự việc. Ở chiều ngược lại, phía chủ quán phở sau khi biết sự việc cũng đã đứng ra phân trần, giải thích. Ngoài ra để làm rõ thắc mắc của cộng đồng mạng, chủ quán phở – địa điểm mà VML nhắc đến trong bài viết đã công khai trích xuất camera cho mọi người cùng kiểm chứng và khẳng định những thông tin nam tiktoker chia sẻ là sai sự thật.

(Ảnh camera trích xuất tại quán Phổ tại thời điểm tiktoker có mặt)

Trước diễn biến sự việc có phần bị cộng đồng mạng đẩy lên cao trào và đi quá xa, làm phức tạp vấn đề, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với Công an cùng các cơ quan chức năng khác xác minh sự việc trên. Đến nay sự việc vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng dư luận vẫn chưa thật sự ngã ngũ bên nào đúng sai cũng như hướng xử lý của các bên trong vụ việc.

Tình huống pháp lý trong vụ việc

Hiện vụ việc của “tiktoker ngồi xe lăn” chia sẻ đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, tới đây Cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết luận ai đúng, ai sai và rồi sự việc cũng sẽ khép lại. Nhưng ở góc độ pháp lý, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật là tôn chỉ của một nhà nước pháp quyền, người nào có hành vi vi phạm sẽ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo luật Người khuyết tật năm 2010 nghiêm cấm hành vi Phân biệt đối xử người khuyết tật. Cụ thể luật quy định phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định những hành vi nghiêm cấm trong đó nghiêm cấm hành vi “Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật”. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Cá nhân, tổ chức có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Nghị định 130/2021/NĐ-CP tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cá nhân, tổ chức có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật còn phải khắc phục hậu quả, chịu hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 3- 6 tháng hoặc tước giấy phép hoạt động.

Còn đối với hành vi của người nào sử dụng mạng xã hội để tạo ra, cố ý lan truyền, bịa đặt các thông tin sai sự thật trên không gian mạng xã hội sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Như vậy ở góc độ pháp luật đã có đủ quy định và chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các bên liên quan nếu có hành vi sai phạm.

Tuy nhiên dù sự việc có như thế nào thì chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích và không nên đẩy sự việc đi quá xa, quá tầm kiểm soát, đồng thời sáng suốt kiên nhẫn chờ đợi kết luận sự việc từ cơ quan chức năng, và không nên định kiến hoặc vội quy chụp cho bất kỳ ai trong sự việc này.

Không nên dựng chuyện để câu view bất chấp trên mạng xã hội

Qua sự việc trên có thể thấy tầm ảnh hưởng của mạng xã hội rất lớn trong cuộc sống của chúng ta. Mạng xã hội là nơi người khuyết tật có thể tận dụng để chia sẻ trải nghiệm, nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mạng xã hội cũng đã bị lạm dụng như một công cụ để câu view và câu like. Đối với Người khuyết tật nếu chúng ta sử dụng mạng xã hội thì cũng hết sức chú ý các quy định pháp luật có liên quan để không đưa mình vào tình huống khó xử, hoặc thậm chí là vi phạm quyền đời tư cá nhân của người khác, vi phạm pháp luật để dẫn đến bị cơ quan chức năng xử phạt. Đặc biệt bất kỳ ai trong thời đại công nghệ số, tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội để câu view, like thu hút sự chú ý của người khác nhằm tăng lượng view và like cho tài khoản của mình bằng những hành vi vi phạm pháp luật, thiếu chuẩn mực và đặc biệt là lợi dụng hình ảnh của người khuyết tật để làm việc làm sai trái trên không gian mạng. Và khi sử dụng mạng xã hội không đúng thì không chỉ gây nghi ngờ về tính chân thực của những thông điệp mà họ đang muốn truyền tải mà còn mất đi ý nghĩa thực sự của việc sử dụng mạng xã hội. Qua việc câu view câu like, người khuyết tật có thể đạt được mục tiêu cá nhân như nổi tiếng, kiếm tiền hay thậm chí tạo ra tương tác với các nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội chỉ vì lợi ích cá nhân này không đúng đắn thì có thể vi phạm quy định của pháp luật và có thể cộng đồng mạng tẩy chay ngay lập tức. Việc làm này có thể để lại những đánh giá tiêu cực của mọi người về cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam.

Vì vậy dù là ai đi chăng nữa thì khi đăng bài lên mạng xã hội cũng phải tôn trọng sự thật khách quan và phải tuân thủ quy định của pháp luật, nói không với tình trạng dựng chuyện để câu like, câu view trên mạng xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên

Theo Tạp chí Điện Tử Đồng Hành Việt