Luật sư bào chữa: Vụ án Năm Cam và cộng sự

9

Vụ án Năm Cam và đồng phạm hay Chuyên án Z5.01 là vụ án về tội phạm có tổ chức đặc biệt, có tính đặc thù, đây là một vụ án lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. Quá trình hình thành và phát triển tổ chức tội phạm theo kiểu “xã hội đen” do Trương Văn Cam cầm đầu đã được phanh phui và phơi bày trước ánh sáng, được Việt Nam và thế giới quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau, sự quan tâm ở đây bao hàm cả hai góc độ kinh tế và chính trị. Trương Văn Cam là đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, hoạt động phạm tội có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong nước trong một thời gian dài với nhiều hành vi dã man, tàn bạo; thủ đoạn trắng trợn, thâm độc gây nên phẫn nộ lớn trong dư luận dân cư.

Năm 1995, Bộ Công an Việt Nam đã đánh giá Vụ án Năm Cam và đồng bọn là một vụ án hình sự nghiêm trọng đặc biệt, Năm Cam và đồng bọn đã có những hành vi cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và tầng lớp dân cư trong đời sống xã hội. Bộ Công an đã bắt giam, tập trung cải tạo tội phạm nguy hiểm Năm Cam nhằm mục đích củng cố hồ sơ truy tố Năm Cam. Bằng các thủ đoạn mua chuộc bằng tiền, quan hệ với các quan chức cơ quan công an, kiểm sát và cả Văn phòng Chính phủ, cùng các thủ đoạn khác, Năm Cam lại được thả trước thời hạn. Sau khi được trả tự do, Năm Cam hoạt động mạnh hơn, trắng trợn hơn rất nhiều so với trước năm 1995. Cuối năm 1999, Bộ Công an đã thành lập một ban chuyên án để điều tra giải quyết. Song thực tế, ban chuyên án này đã hoạt động không có tác dụng hiệu quả, không ngăn chặn được hoạt động tội phạm của Năm Cam và đồng bọn. Hơn thế nữa, các hoạt động tội phạm của Năm Cam và đồng phạm ngày càng tàn bạo hơn, coi thường pháp luật.

Tháng 5 năm 2001, để điều tra quá trình hình thành và hoạt động tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” của Năm Cam và đồng phạm, Bộ Công an Việt Nam đã thành lập một chuyên án mới gọi là Chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” với bí số là Z5.01. Chỉ huy Chuyên án là Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân. Sau khi kết thúc chuyên án, ông Thành được phong quân hàm Trung tướng, chuyển sang làm Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ông đã nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2009…. Tháng 12 năm 2001, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố Vụ án Năm Cam và đồng bọn. Tháng 10 năm 2002, cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra, và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân để đưa ra xét xử. Ðây là một vụ án kỷ lục về số lượng bị can, tội danh và cả về tính chất nguy hiểm.

Ngày 25 tháng 2 năm 2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phiên tòa xét xử Vụ án Năm Cam và đồng phạm khai mạc, 155 bị can với 24 tội danh khác nhau phải ra trước vành móng ngựa cùng với 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã được tống đạt quyết định triệu tập có mặt tại phiên tòa; 39 bị hại; 3 phiên dịch cùng hàng trăm phóng viên của các cơ quan báo chí trong, ngoài nước và các lực lượng: Công an, Điện lực, Y tế, thanh niên xung phong, Công ty Công trình công cộng quận 1… để đảm bảo an ninh, trật tự và các vấn đề hậu cần cho phiên tòa; cùng với hàng nghìn bút lục về vụ án này đã được diễn giải tại phiên tòa. Trong đó, 107 bị can đang tạm giam; 48 bị can tại ngoại. Trong số 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật (13 cán bộ công an, ba cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính); 17 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã khai trừ khỏi Đảng: 10, đình chỉ sinh hoạt Đảng: 6). Để bảo đảm đủ điều kiện cho công tác xét xử, do đây là vụ án lớn có số bị can quá đông, một số kinh phí tám trăm triệu đồng Việt Nam đã được chi ra để nhằm mục đích mở rộng và nâng cấp trang thiết bị cho phòng xử án.[2]

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Hoàng Danh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Tham dự phiên tòa còn có 80 luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và hai người bị hại là Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng. Tòa án đã quyết định triệu tập thêm một số người khác có liên quan tới vụ án (ngoài số 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã được tống đạt quyết định triệu tập), là các ông Lê Thanh Ðạo, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Thân Thành Huyện và Võ Văn Măng, nguyên Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Bông, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số nhà báo khác. Phiên khai mạc được các Hãng Truyền hình, Phát thanh của Trung ương và địa phương tường thuật trực tiếp.[3]

Thời gian xét xử vụ án tại phiên sơ thẩm

Thời gian xét xử vụ án từ ngày 25 tháng 2 năm 2003 đến ngày 5 tháng 6 năm 2003, phiên tòa kéo dài 57 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ, từ 8 giờ 00 đến 17 giờ 00 hằng ngày (dự kiến lúc đầu là 55 ngày, kết thúc ngày 30/5/2003).

  • Tử hình: Trương Văn Cam, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Hồ Thanh Tùng.
  • Chung thân: Nguyễn Tuấn Hải, Nguyễn Xuân Trường, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến.
  • 6 năm tù phạm tội nhận hối lộ của gia đình Năm Cam: Phạm Sĩ Chiến.
  • 10 năm tù phạm tội nhận hối lộ của gia đình Năm Cam: Trần Mai Hạnh
  • Nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Quốc Huy bị tuyên phạt 4 năm tù.
  • Nguyên trưởng Phòng Cảnh sát điều tra Nguyễn Mạnh Trung lĩnh án 5 năm tù.
  • Nguyên trưởng Phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội Nguyễn Thập Nhất 5 năm tù.
  • Dương Minh Ngọc lĩnh án 6 năm tù.
  • Phóng viên Hoàng Linh: 12 năm tù.
  • Một số bị cáo bị chịu mức án 20 năm tù: Dương Ngọc Hiệp, Phan Thị Trúc, Trần Văn Thuyết, Tạ Đắc Lung.
  • Nguyễn Khánh Quốc: 27 năm 9 tháng 2 ngày tù.
  • Triệu Tô Hà chịu mức án tổng hợp là 22 năm 6 tháng 28 ngày.[6]
  • Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục điều tra và xử lý các trường hợp:
    • Tống Viết Hòa có hành vi liên quan đến vụ án giết Dung Hà;
    • Ông Triệu Quốc Kế, Cao Duy Phước, Lê Thanh Đạo liên quan đến việc nhận tiền của Trần Văn Thuyết, Dương Ngọc Hiệp và Trương Văn Cam;
    • Việc Trương Văn Cam được giảm thời hạn tập trung cải tạo năm 1997;
    • Trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Khánh Hợi – giám định viên giám định lại tỉ lệ thương tật đối với Trát Minh Dũng;
    • Việc Phạm Văn Minh trốn sang Campuchia, Phan Thị Trúc đưa hối lộ 10.000USD và Nguyễn Thành Thảo đưa hối lộ 10 triệu đồng cho Dương Minh Ngọc…

    Ngoài ra, Hội đồng Xét xử còn áp dụng các loại hình phạt bổ sung gồm phạt tiền, bồi thường thiệt hại cho người bị hại, cấm đảm nhiệm những chức vụ có liên quan đến công việc nhà nước trong thời hạn được quy định sau khi mãn hạn tù.[7]

    Phiên tòa phúc thẩm

    Ngày 15 tháng 9 năm 2003, tại thành phố Hồ Chí Minh, khai mạc phiên tòa phúc thẩm xét xử Vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa – chính tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên phúc thẩm được mở ra để xét xử theo đơn kháng cáo của 69 bị cáo, 6 người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; trong đó có 6 bị cáo bị án sơ thẩm tuyên tử hình: Trương Văn Cam, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Hồ Thanh Tùng, Phạm Văn Minh và Châu Phát Lai Em. Có 13 bị cáo kêu oan toàn bộ hoặc kêu oan một phần mà mức án đã tuyên của phiên tòa sơ thẩm. Tất cả các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm án.[8]

    Thời gian xét xử vụ án tại phiên phúc thẩm

    Thời gian xét xử vụ án từ ngày 15 tháng 9 năm 2003 đến ngày 30 tháng 10 năm 2003, phiên tòa kéo dài 26 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ, từ 8 giờ 00 đến 17 giờ 00 hằng ngày.

    Tuyên án phúc thẩm

    • Tử hình: Trương Văn Cam (tử hình về tội “Giết người”, tử hình về tội “Đưa hối lộ”, chấp hành hình phạt chung là tử hình), Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Châu Phát Lai Em
    • Chung thân: Nguyễn Xuân Trường, Hồ Thanh Tùng, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến.
    • Phan Thị Trúc (vợ Năm Cam) và Dương Ngọc Hiệp (con rể Năm Cam) đều bị tuyên phạt 20 năm tù.
    Các bị cáo nguyên cán bộ, công an, nhà báo
    • Nguyễn Mạnh Trung: 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, được đặc xá ngày 27 tháng 4 năm 2005[9].
    • Nguyễn Thập Nhất: 4 năm tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
    • Phạm Sĩ Chiến: 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, được đặc xá ngày 27 tháng 4 năm 2005[9].
    • Trần Mai Hạnh 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, nhờ có công với “Cách mạng” được đặc xá ngày 2 tháng 9 năm 2005[10].
    • Bùi Quốc Huy: 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, được đặc xá ngày 31 tháng 1 năm 2005[11].
    • Dương Minh Ngọc: 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
    • Võ Quang Thắng: 7 năm tù.
    • Hoàng Linh: 12 năm tù.[12], được đặc xá ngày 24/10/2007

 (Nguồi Internet)