Nguyên đơn – bị đơn xích lại, luật sư ra rìa

76

Lần họp báo trước, Công ty Xổ số kiến thiết Bình Phước (XSKTBP) đưa ra các điều kiện khiến người ta đã nghĩ, việc lãnh được tiền thưởng của tờ vé số trúng độc đắc đã trở thành tuyệt vọng. Lần họp báo này cũng chính Công ty XSKTBP đưa ra các biện pháp mà con đường nhận thưởng trở nên “sáng sủa”. Người chủ thực sự của tờ vé đã xuất hiện. Và công việc đầu tiên là… “kể tội” luật sư của mình…

Khó hay dễ cũng do công ty xổ số!

Ông Đào Xuân Thành ngụ tại 703, quốc lộ 14, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đứng tên khởi kiện Công ty XSKTBP về việc công ty này đã không chịu trả thưởng cho tờ vé số mang số 774976, trúng độc đắc giá trị 1,5 tỉ đồng, xổ ngày 3/9. Sáng 19/10, XSKTBP có cuộc họp báo lần 2. Ông Lê Liên Hoàng, Giám đốc XSKTBP, cho biết đã “tìm” được chủ nhân đích thực của tờ vé trúng độc đắc. Không phải ông Thành mà đó là ông Trương Tấn Tài, ngụ ấp Ninh Hòa, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Lê Liên Hoàng cho biết, XSKTBP đã làm việc với Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài, cho rằng ông Đào Xuân Thành không phải là chủ sở hữu của tờ vé. Ông Thành chỉ là luật sư tại Văn phòng Luật sư Thành Vinh, làm dịch vụ tư vấn pháp lý cho thân chủ theo hợp đồng. Ông Tài chưa hề có văn bản nào thỏa thuận ủy quyền việc khởi kiện cho ông Thành. Do đó, XSKTBP đã đề nghị đình chỉ vụ án, và theo XSKTBP, tòa án đã đồng ý điều này (tuy nhiên đến ngày 19-10 vẫn chưa có quyết định đình chỉ).

Tại buổi họp báo lần 2 này, ông Tài đưa ra một văn bản gửi Văn phòng Luật sư Thành Vinh đề nghị hủy hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý. Trong văn bản này, ông Tài nêu lý do hủy hợp đồng là ông chỉ thuê luật sư tư vấn pháp lý, “tuy nhiên Luật sư Đào Xuân Thành đã nhân danh chính mình để đứng đơn khởi kiện… là vi phạm thỏa thuận giữa hai bên”.

Ông Tài xuất hiện tại buổi họp báo cùng với một người nhà xưng là em, tên là Nguyễn Lệ Phương. Hầu hết các câu hỏi dành cho ông Tài đều do bà Phương trả lời. Trả lời câu hỏi của giới báo chí là khi hủy hợp đồng với Luật sư Thành, chủ tờ vé số có tiếp tục vụ kiện đòi trả thưởng không, bà Phương nói là “chúng tôi sẽ có phương án khác”. Phương án đó được Giám đốc XSKTBP Lê Liên Hoàng trình bày: Để xác định đúng tờ vé số thật và được trả thưởng, việc giám định sẽ thực hiện 3 bước: một là xác định đường đi của tấm vé; hai là kiểm tra kho vé ế của ngày hôm đó đang được lưu giữ trong công ty; ba là xác định vé được in ra từ xí nghiệp in; và sau 60 ngày tức hết thời hạn trả thưởng mà không có người nào khác đến lĩnh thưởng thì chiếc vé kia được trả thưởng.

Thực tế, đường đi của tấm vé đã được XSKTBP xác minh. Tấm vé được phát hành từ XSKTBP, qua đại lý cấp 1 và cấp 2 tại Vĩnh Long, và xác định được người bán vé cho ông Tài. Giám đốc XSKTBP cũng cho rằng, “về mặt hình thức thì tấm vé được in từ công ty xổ số, còn in trước hay sau xổ thì còn phải giám định tiếp”. Như vậy, chỉ còn một việc nữa là kiểm tra kho vé ế và chờ đợi hết thời hạn 60 ngày. Báo chí hỏi khả năng trả thưởng đến đâu, ông Hoàng không ngần ngại đáp: “Khả năng trả thưởng là rất cao”.

Tại buổi họp báo, ông Mai Hữu Ánh, đại lý cấp 1, cũng cho rằng trường hợp như tờ vé của ông Tài không phải quá khó để được trả thưởng. “Nếu ông Tài đến với tôi sớm thì việc nhận thưởng đã không khó như thế này. Tôi đã giúp đỡ nhiều tờ vé bị rách rời chắp vá nhận được tiền thưởng”.

Câu chuyện hành xử

Lần này, theo như giải pháp mà XSKTBP đưa ra, thì không còn nhất thiết phải “khớp vé”, “so cuống vé” như trước đây đã từng yêu cầu. Nhưng, phương pháp “giám định 3 bước” mà ông Hoàng trình bày, thực chất là một quy trình kiểm tra bình thường mang tính nghiệp vụ của công ty chứ không thể gọi đó là “giám định”. Tờ vé số độc đắc này không bị rách rời chắp vá, chỉ vì mất dấu nhận diện nên để phòng chống vé giả thì việc việc đầu tiên là đơn vị kinh doanh phải kiểm tra tất cả các khâu, các quy trình công đoạn như trên là lẽ đương nhiên. Vậy nên, nếu XSKTBP cho rằng đó là “giám định” và đòi hỏi chủ nhân phải có đơn cam kết chịu trả chi phí, thì đó là cách đánh tráo khái niệm và đã đẩy cái khó về cho phía khách hàng. Lẽ ra đây là trách nhiệm của công ty đối với khách hàng, là công việc chăm sóc khách hàng mà một doanh nghiệp biết tôn trọng khách hàng không thể thiếu.

Ông Trương Tấn Tài (phải), chủ tờ vé và bà Nguyễn Lệ Phương (người nhà ông Tài) tại buổi họp báo.

Điều khó hiểu vì sao XSKTBP đã không thực hiện các công việc này ngay từ đầu, khiến cho bao nhiêu người đến nhận thưởng đều phải lao đao khốn khổ và số phận tấm vé ngày càng long đong, để đến khi Luật sư Đào Xuân Thành khởi kiện và báo chí vào cuộc thì mới đưa ra cách này. Chính Công ty XSKTPBP cũng đã cho biết, đã có ít nhất 3 người khác nhau 3 lần cầm tờ vé đến công ty để lĩnh thưởng. Và Luật sư Thành cũng đã vận dụng nhiều mối quan hệ để tác động, nhưng đều thất bại.

Ông Trương Tấn Tài cho biết, hôm ông đến nhận thưởng lần đầu tiên, nhân viên nhận tờ vé tên là Thảo đã cầm tấm vé và nói với ông là vé bị sờn không đủ điều kiện trả thưởng và đề nghị ông về lại UBND xã, phường nơi ông ở, làm đơn để chính quyền xác nhận vào đó(?). Không thể hiểu được là chính quyền địa phương phải xác nhận điều gì vào đây? Nghiệp vụ yếu kém, sự tắc trách của nhân viên, sự thiếu thiện chí tiếp theo sau đó của XSKTBP đã khiến cho một việc đơn giản trở nên rắc rối phức tạp.

Từ câu chuyện tranh chấp trả thưởng, đã chuyển dần sang câu chuyện hành xử. Hai bên nguyên đơn và bị đơn đến giờ này có vẻ… tâm đầu ý hợp. Trong khi đó, thân chủ lại đi “kể tội” luật sư tư vấn pháp lý cho mình. Bà Phương kể rằng, gia đình ông Tài đã nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Thành trả lại tờ vé số nhưng ông Thành không những không trả mà còn có thái độ nóng nảy, nặng lời.

Luật sư Đào Xuân Thành thì dẫn các điều luật trong Bộ luật Dân sự và nội dung cam kết trong hợp đồng, khẳng định ông đã thay mặt thân chủ đứng đơn khởi kiện là hợp pháp. Ông Thành cũng cho biết, ngay từ đầu ông đã xác định giúp đỡ ông Tài là chính, nếu vụ việc thành công thì thành quả sẽ hưởng sau. Theo đó, hợp đồng thỏa thuận nếu lĩnh được thưởng thì bên A (ông Tài) nhận 1 tỉ đồng, số còn lại bên B (ông Thành) được hưởng, toàn bộ chi phí bên B chịu.

“Vì lẽ đó, nếu thân chủ đơn phương chấm dứt hợp đồng thì tôi xem như là sự việc không thành, và sẵn sàng thanh lý hợp đồng mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, không yêu cầu bồi thường hợp đồng và cũng không yêu cầu trả các khoản chi phí đã chi ra, trong đó có cả tiền án phí tôi tự bỏ tiền ra nộp”, ông Thành nói. Ông Thành cho biết, tòa án không thể đình chỉ được vụ kiện của ông, nhưng khi có yêu cầu của thân chủ, bản thân ông sẽ rút lại vụ kiện, lấy lại tờ vé số đã giao cho tòa án về giao lại cho chủ của nó.

Có lẽ đã có thể chúc mừng ông Tài vì quyền lợi chính đáng sẽ được trả đủ. Người ta cũng sẽ khen XSKTBP đã biết nhìn nhận lẽ phải. Nhưng câu chuyện về hành xử quanh tờ vé số cũng được kể kèm theo những lời chúc mừng, khen tặng đó

Đặng Vỹ