Xác định mã ngành: Khó nhưng cần

67
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng Chương trình Rà soát và kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh doanh.

Trong đó có lấy ý kiến đóng góp đối với 16 luật có tác động lớn nhất như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản…

Một trong những phản ánh đầu tiên của cộng đồng doanh nghiệp (DN) là vấn đề nhiêu khê khi ghi mã ngành nghề kinh doanh và nhiều ý kiến đề xuất không bắt DN ghi mã ngành nữa.

Thời gian qua, DN đăng ký mới hoặc đăng ký thay đổi thông tin đều bị yêu cầu khai lại mã ngành tương ứng với ngành nghề kinh doanh, đồng thời xác định một, hai ngành nghề kinh doanh chính. Khó khăn phát sinh khi danh mục, mã số ngành nghề theo quy định cũ có nhiều điểm không khớp với danh mục, mã số mới. Hoặc khó khăn khi thỉnh thoảng ngành nghề DN muốn đăng ký lại chưa có tên chính xác trong danh mục mới.

DN không nắm vững quy định thì sẽ hết sức lúng túng khi gặp danh mục trên 650 tên ngành, mã ngành, đồng thời phải đọc thêm hai, ba văn bản diễn giải, hướng dẫn. Thậm chí DN chỉ đăng ký mấy chục ngành nghề ngồi rà tìm vài ba chục mã số tương ứng thì càng oải hơn.

Những câu chuyện nhỏ đó làm nên “ác cảm” của DN đối với mã ngành.

Giá mà cơ quan quản lý có một bảng thông tin đặt tại trụ sở, giúp DN hiểu được mục đích của mã ngành thì DN đã có thể chia sẻ, thông cảm hơn.

Chuyện là để quản lý tốt nền kinh tế, cơ quan đăng ký kinh doanh cần biết số liệu về DN, ví dụ ngành nghề nào được đăng ký kinh doanh nhiều nhất hoặc có bao nhiêu DN đang kinh doanh dịch vụ vận tải biển… Kho dữ liệu này còn phục vụ đắc lực cho DN khi DN muốn tìm hiểu sức cạnh tranh của thị trường hay tìm đối tác kinh doanh theo ngành nghề. Quản lý bằng tên ngành nghề thì khó nên phải mã hóa thành con số (mã ngành).

Vì vậy, DN bỏ công xác định đúng tên ngành và mã ngành là việc cần thiết, có lợi cho nền kinh tế, có lợi cho cộng đồng DN. Cái cần góp ý là góp ý cách làm thế nào để DN có thể xác định ngành nghề và mã ngành một cách thuận tiện hơn chứ không còn khó khăn, “ác cảm” như hiện nay.

QUỲNH NHƯ