Thiếu từ con người, phương tiện đến quy định

26

Thiếu từ con người, phương tiện đến quy định
Luật chưa quy định cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm giám định sau cùng, “chung thẩm” trong trường hợp có nhiều kết quả giám định mâu thuẫn.
Tại các hội nghị tổng kết công tác giám định tư pháp mấy năm qua, chuyện nhân sự thiếu và yếu cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện lạc hậu, phương pháp giám định khác nhau, quy định chưa rõ… luôn được chỉ ra là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiệu quả công việc chưa cao.

Theo đánh giá chung, tình trạng thiếu giám định viên tư pháp xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, khiến các giám định viên phải làm việc với cường độ rất cao.

Nhân sự vừa thiếu vừa yếu

Chẳng hạn ở một đô thị lớn như TP.HCM, trung bình mỗi giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) phải thực hiện hơn 800 vụ giám định/năm, mỗi giám định viên của Trung tâm Pháp y TP.HCM phải giải quyết hơn 250 vụ giám định/năm. Trong đó, 85% giám định viên tư pháp là kiêm nhiệm.

Người ít, lại thiếu người giỏi bởi thực tế rất ít giám định viên được đào tạo bài bản. Người có kinh nghiệm thì lại sắp nghỉ hưu nên không tận dụng được nguồn chất xám. Tuyển người mới vào lại không dễ bởi chế độ thấp, thu nhập của nghề không cao. Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định đều thiếu thốn. Các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp độc lập đều chưa có trụ sở, hầu hết hoạt động trong trụ sở của các cơ quan chủ quản, phòng ốc chật hẹp, không có nơi để bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tư liệu.

Một bất cập khác cũng từng được Bộ Tư pháp chỉ ra là việc giám định viên phân bổ chưa đều, phần lớn chỉ tập trung ở đô thị, ở các tỉnh hiếm thấy giám định viên giỏi.
Nhiều đầu mối quản lý

Hiện nay, tổ chức giám định tư pháp công lập gồm Viện Pháp y Quốc gia, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực (Bộ Y tế), Viện Pháp y quân đội, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh…

Các tổ chức này song song tồn tại nhưng không phân biệt rõ về thẩm quyền, loại việc, địa giới hành chính… Trên thực tế, vai trò của Bộ Tư pháp trong giám định tư pháp mờ nhạt do có ít quyền hạn, trong khi các bộ, ngành liên quan lại chưa mặn mà phối hợp. Nhiều ngành quản lý, mỗi ngành lại có các phương pháp giám định khác nhau. Hoạt động giám định tư pháp theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai bảo được ai đã dẫn đến tình trạng các kết luận giám định xung đột nhau, cơ quan tố tụng không biết phải dựa vào đâu làm căn cứ xử lý.

Lý giải về việc “loạn” kết quả giám định tư pháp, trong quá trình góp ý cho dự án Luật Giám định tư pháp trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng giám định pháp y là ngành khoa học đặc thù nên kết luận khác nhau là dễ chấp nhận bởi còn tùy thuộc vào phương pháp giám định, vào nhiều yếu tố khách quan (thời gian, mẫu vật…). Giám định viên tự chịu trách nhiệm về kết luận của mình, còn việc xem xét tính đúng đắn của kết luận giám định là quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, các lý giải này đã gặp nhiều phản đối bởi cái mà các cơ quan tố tụng cần và phải nhờ đến nhà khoa học vẫn là một kết quả giám định chuẩn xác, kịp thời chứ không phải mang tính “đánh đố”!

Ai giám định sau cùng?

Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội ban hành ngày 20-6-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013). Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề mà luật đang còn bỏ ngỏ, tạo ra những băn khoăn cho người làm công tác tư pháp.

Chẳng hạn có được sử dụng kết quả giám định tiền tố tụng hay không? Thời hạn giám định ra sao, được giám định tối đa mấy lần trong một vụ án, có điểm dừng hay không? Trách nhiệm của tổ chức giám định, giám định viên như thế nào? Cơ chế bồi hoàn ra sao nếu giám định viên đưa kết quả sai lệch?

Đặc biệt, luật chưa quy định cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm giám định sau cùng, mang tính “chung thẩm” trong trường hợp có nhiều kết quả giám định mâu thuẫn. Tức là một vụ việc vẫn có thể bị giám định đi, giám định lại không có điểm dừng và cho ra các kết quả xung đột, làm rối các cơ quan tố tụng.

Nhiều điểm chưa rõ

Theo Luật Giám định tư pháp, trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định và do hội đồng giám định thực hiện. Trong trường hợp đặc biệt, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của hội đồng giám định. Ngoài ra, nếu như khả năng chuyên môn, điều kiện về trang thiết bị, phương tiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong nước không đáp ứng được yêu cầu giám định thì sẽ yêu cầu cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện giám định tư pháp.

Vấn đề là ngay cả trong trường hợp đặc biệt mà viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao quyết định việc giám định lại thì kết quả giám định lại này có phải là kết quả sau cùng hay không, do tổ chức nào thực hiện; kết quả giám định của cá nhân, tổ chức nước ngoài có mang tính “chung thẩm” hay không… đều chưa rõ ràng.

Phân cấp giám định viên

Nên có sự phân cấp giám định viên, cụ thể là sơ cấp, trung cấp… Những sự việc đơn giản sẽ do các giám định viên sơ cấp phụ trách, còn những vụ việc phức tạp sẽ giao cho những giám định viên trung cấp làm. Việc phân định như trên sẽ rõ về trình độ chuyên môn, quyền lợi, trách nhiệm của những người làm công tác giám định tư pháp.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND
Tối cao tại TP.HCM

Có cơ chế kiểm soát

Lâu nay các cơ quan tố tụng căn cứ vào kết luận giám định để xét xử nhưng các tổ chức giám định, giám định viên làm gì, hoạt động ra sao thì ít ai biết, vấn đề kiểm soát trong lĩnh vực giám định tư pháp hiện còn bỏ ngỏ. Chúng ta buộc lòng phải tin tưởng vào kết luận của đơn vị giám định bằng niềm tin nội tâm. Do vậy rất cần có cơ chế kiểm soát chất lượng giám định.

ThS TRẦN VĂN BẢY, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp
– Sở Tư pháp TP.HCM

Tăng cường trách nhiệm

Từ trước đến nay chưa xảy ra trường hợp nào giám định viên tư pháp bị truy cứu trách nhiệm vì đưa ra kết luận sai. Mỗi lần thấy kết quả chưa được khách quan thì các cơ quan tố tụng tiến hành trưng cầu lại mà thôi. Do đó, việc đặt nặng vấn đề trách nhiệm với giám định viên là cần thiết. Ngoài ra, cần phải có trường chuyên đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên vì hiện nay chủ yếu là trưng dụng người của những ngành nghề chuyên ngành.

Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư tỉnh Bến Tre

Công ty Luật Hưng Nguyên