Trăn trở về tình trạng hành nghề của luật sư

96

Trăn trở về tình trạng cản trở quyền hành nghề của luật sư, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ một số kiến nghị của mình trên Thời báo Đông Nam Á.

Báo Seatimes trích đăng bài viết của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên:

“Thời gian qua báo chí truyền thông nhắc đến nhiều về các vụ việc luật sư bị trả thù do hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Như vụ luật sư Trần Hồng Lĩnh – Đoàn luật sư TP. Hải Phòng bị tạt axit, văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bị đốt… và rất nhiều vụ việc khác nữa mà bản thân những luật sư trong cuộc cũng không muốn chia sẻ rộng rãi.

Các luật sư xem đó là sự vui buồn nghề nghiệp của các luật sư và thường cam chịu. Những hành vi trả thù luật sư thời gian vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận, quần chúng nhân dân nói chung và giới luật sư nói riêng gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều luật sư. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến hình ảnh người luật sư bị xuống cấp và tạo tiền lệ xấu cho các hành vi tiếp theo.


Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên

Khi luật sư không đủ dũng cảm để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, pháp lý và công bằng thì hậu quả sẽ dẫn đến oan sai và hệ lụy cho xã hội là rất lớn.

Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công ty, công bằng, giúp cho hoạt động tố tụng và các tranh chấp pháp lý được giải quyết đúng đắn. Tuy nhiên khi luật sư không thể tự bảo vệ mình, thì còn ai là người đứng ra bảo vệ người yếu thế, mắc oan sai và người nghèo, yếu thế trong xã hội. Khi vướng vào vòng lao lý hơn ai hết họ rất hiểu, rất cần sự trợ giúp hỗ trợ pháp lý của luật sư.

Hoạt động tác nghiệp của luật sư rất rộng trên nhiều lĩnh vực pháp luật. Trong vấn đề giải quyết các vụ án hình sự luật sư tham gia với tư cách người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền lợi ích cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì theo tôi pháp luật cần xem xét hoạt động của luật sư tương tự người thi hành công vụ.

Bởi lẽ, hoạt động của luật sư góp phần làm rõ sự thật khách quan, sai phạm, oan sai, làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước diễn ra đúng pháp luật. Vì thế luật sư trong trường hợp này phải được xem tương tự như là người thi hành công vụ.

Có quy định như vậy mới có chế tài, hướng xử lý đối với các hành vi trả thù, tố cáo, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư; chấm dứt những hành vi hành hung, gây thương tích cho luật sư. Từ đó tạo sự yên tâm của luật sư đối với hoạt động hành nghề, giúp luật sư tập trung mọi tâm huyết, trí tuệ để làm việc, nghiên cứu vụ việc đạt chất lượng tốt nhất.

Nếu như các cán bộ, công chức nói chung và cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán khi thi hành nhiệm vụ được gọi là người thi hành công vụ thì luật sư lại không được xem như là người thi hành công vụ hoặc được xem tương tự như hoạt động công vụ.  Cơ chế xử lý các hành vi chống lại các chức danh tư pháp trên là rất nhiều, mạnh và đủ răn đe, trong khi đó quyền lợi của luật sư vẫn đang bị bỏ ngỏ chưa ai quan tâm.

Theo tôi, Liên đoàn luật sư Việt Nam đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của luật sư. Tuy nhiên Liên đoàn luật sư vẫn chưa phát huy được hết vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi luật sư, chưa thật sự xem việc bảo vệ quyền lợi ích luật sư khi hành nghề là quan trọng nhất, dẫn đến những vụ việc hành hung, trả thù luật sư. Phía Liên đoàn vẫn chưa có được tiếng nói mạnh mẽ.

Vì thế Liên đoàn luật sư cần có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng để nâng cao hình ảnh luật sư, phổ biến pháp luật và có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền lợi luật sư khi hành nghề. Đồng thời kiến nghị với Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan liên quan để sửa đổi Luật luật sư, bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan trong đó quy định hoạt động hành nghề của luật sư tương tự như chế độ công vụ và quy định các chế tại trách nhiệm dân sự, xử lý hành chính và hình sự để xử lý đối với các hành vi chống đối, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và quyền hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của luật sư.

Các đoàn Luật sư cần phải tích cực, chủ động phối hợp với Liên đoàn luật sư, các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của luật sư thành viên. Khi đoàn luật sư biết được thông tin về việc luật sư thành viên bị xâm phạm thì phải kịp thời xác minh, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bản thân các luật sư cũng cần phải dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý công bằng, khi bị xâm phạm, trả thù thì cần dũng cảm đấu tranh, thông báo với Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư, báo chí truyền thông để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình.

Vậy để bảo vệ quyền lợi ích của luật sư cần phải có sự vào cuộc của toàn thể giới luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư và các cơ quan hữu quan không những là sửa luật đưa ra cơ chế, chế tài xử lý mà còn phải nâng cao hình ảnh của luật sư và sự ủng hộ của báo chí, truyền thông, dư luận xã hội.”

Hưng Nguyên (theo seatimes.com.vn)