Với hành vi bắt cóc, tống tiền sau đó giết nạn nhân, nghi can vụ bắt cóc nam sinh ở TP HCM có thể đối mặt với hai tội danh.
Mới đây, Cơ quan công an quận Bình Tân phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Bình Định, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) được coi là nghi can chính trong vụ bắt cóc, tống tiền, sát hại rồi vứt xác phi tang bạn mình là Lưu Vĩnh Đạt (SN 1996, quận Tân Bình, TP HCM).
Tại cơ quan điều tra Nguyễn Kim An khai nhận do nhầm tưởng gia đình bạn mình có nhiều tiền nên đã nảy sinh ý định bắt cóc nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vào ngày 26/2, An rủ Đạt tới nhà trọ hỏi về lịch học rồi dùng thuốc ngủ để lừa nạn nhân uống. Sau khi uống, nạn nhân bị sốc thuốc nên nghi can Nguyễn Kim An đã trói chân, bỏ nạn nhân vào bao tải để thực hiện hành vi vứt xác phi tang. Sau đó, An dùng điện thoại nhắn tin tống tiền gia đình Đạt.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Thời điểm vứt xác, nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt chưa tử vong nhưng An vẫn vứt nạn nhân xuống sông Sài Gòn. Như vậy, đây là hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gây nên cái chết cho nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt. Hơn nữa, động cơ và mục đích của Nguyễn Kim An giết nạn nhân để chiếm đoạt tài sản (chiếc xe máy, điện thoại của nạn nhân) thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã phạm tội giết người theo quy định tại đểm q khoản 1, điều 93 BLHS – giết người vì động cơ đê hèn.
Mặc dù đã giết và phi tang vứt xác nạn nhân nhưng Nguyễn Kim An vẫn nhắn tin đòi tiền chuộc của gia đình nạn nhân, hành vi đó đã thể hiện ý chí muốn thực hiện đến cùng hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Nguyễn Kim An đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 134 BLHS.
Theo tôi, để không bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai thì cơ quan điều tra cần chứng minh lời khai của Nguyễn Kim An tại cơ quan điều tra là đúng sự thật khách quan của vụ án và phù hợp với các chứng cứ có trong vụ án”.
Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:a) Có tổ chức;b) Có tính chất chuyên nghiệp;c) Tái phạm nguy hiểm;d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;đ) Đối với trẻ em;e) Đối với nhiều người;g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;i) Gây hậu quả nghiêm trọng.3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm:a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.Hưng Nguyên (theo phunutoday.vn) |