Đẩy lùi oan sai

82

Tại phiên tòa hình sự, sau khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát tranh luận, lý giải các vấn đề Luật sư đặt ra một cách đầy thuyết phục với căn cứ rõ ràng, chi tiết. Nghe xong, cả Luật sư và Hội đồng xét xử đều gật gù – Một cách tranh luận cần thiết trong hoạt động tố tụng tại tòa…
Liên quan đến công tác cải cách tư pháp, nhất là tranh tụng tại tòa, trước đây, ông Phạm Văn Gòn – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM nói với báo giới rằng: Đối với một phiên tòa cải cách thì Kiểm sát viên phải tranh tụng đến cùng để bên “gỡ tội” phải “tâm phục khẩu phục” thì mới đạt yêu cầu.

Muốn vậy thì Kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản pháp luật mới và đặc biệt phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sao cho phải nằm lòng từng chi tiết nhỏ. Bằng kiến thức và kinh nghiệm trải qua hơn 36 năm công tác trong ngành kiểm sát, ông Phạm Văn Gòn đã và đang phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát tại TP.HCM.

Theo ông Gòn, trong rất nhiều phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố hầu như chỉ bám vào cáo trạng, chính vì vậy khi đuối lý trước các Luật sư thì thường chống chế bằng câu nói “đã thấy có đủ cơ sở để buộc tội” nhằm bảo lưu quan điểm của mình mà cơ sở đó là gì thì bỏ lửng.

Ông Gòn cho rằng, đối với một phiên tòa cải cách thì không thể chấp nhận điều đó mà buộc kiểm sát viên phải tranh tụng mới đạt yêu cầu. Do đó, mỗi Kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản pháp luật mới và đặc biệt phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sao cho phải nằm lòng từng chi tiết nhỏ.

Ông Gòn kể, trong một lần tham dự phiên tòa cải cách xét xử một bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ” tại TAND quận 2, TP.HCM. Trong phần tranh tụng, vị Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo cho rằng, thân chủ của ông phạm tội có phần xuất phát từ lỗi của nạn nhân khi chở hàng cồng kềnh trên xe gắn máy nên thân chủ ông bị va quệt dẫn đến nạn nhân ngã xuống đường chết.

Lúc này người giữ quyền công tố không hề nao núng mà dõng dạc đáp lại một cách khá chuẩn rằng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ Việt Nam thì “đối với xe môtô, gắn máy, xe đạp không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá chiều cao tính từ mặt đất 2m, vượt quá phía sau đèo hàng là 0,5m” đối chiếu với trường hợp của nạn nhân thì hoàn toàn nằm trong quy định cho phép…

Nghe vậy, phía Luật sư đành chấp nhận và Hội đồng xét xử cũng tán thành cách lý giải thuyết phục này. Một phiên tòa khác, xét xử 5 bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” tại TAND quận 12.

Luật sư cho rằng, lời khai của các bị cáo tại Cơ quan Điều tra cũng như trong phiên tòa hôm ấy đều khẳng định họ phạm tội không có tổ chức nên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng này. Tuy nhiên phía Kiểm sát viên đã dẫn chứng rằng, tuy các bị cáo không thừa nhận, song trong hai vụ cướp xảy ra thì mỗi bị cáo đều thực hiện vai trò giống nhau, điều này thể hiện, nếu như không có sự phân công thì không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến như vậy. Nghe xong, vị Luật sư gật gù vì bản thân ông cũng chưa nghĩ đến tình tiết đó…

Qua đây cho thấy, Kiểm sát viên đã có sự chuẩn bị rất tốt trước khi tham gia phiên tòa mà đó chính là mục tiêu mà ông hướng đến trong tương lai. Bên cạnh kiến thức rộng, người Kiểm sát viên phải có cái tâm trong sáng và hình thức, diện mạo, cách diễn đạt cáo trạng, tranh tụng cũng phải linh hoạt và chừng mực…

Theo ông Gòn, những người bảo vệ pháp luật đều thừa hiểu và rất xót xa thế nên tránh oan sai luôn được các cơ quan tố tụng đặt lên hàng đầu. Song có một thực tế xảy ra là cố gắng tránh oan sai thì rất dễ để lọt tội. Mà để lọt tội thì hậu quả cũng hết sức khôn lường, tổn hại nặng nề đến kỷ cương, phép nước, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Vậy để đẩy lùi oan sai mà không lọt tội, theo quan điểm của ông Gòn, cải cách tư pháp đã xác định lấy tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách.

Nguyễn Hải
Công ty Luật Hưng Nguyên