Bao giờ án hành chính hết “khó xử”, “xử khó”?

383

Lâu nay người ta gọi vụ án hành chính là vụ “dân kiện quan”, hay “con kiến kiện củ khoai” để nói về sự chênh lệch vị thế xã hội giữa người khởi kiện và bên bị kiện, nhằm thể hiện tính chất đặc biệt của loại án này.

Người khởi kiện đa phần được xem là những người dân yếu thế, “thấp cổ bé họng”. Trong khi đối tượng bị kiện là người nắm giữ quyền lực công, là một cơ quan nhà nước hoặc đại diện cho cơ quan nhà nước có uy thế, vị thế và có tầm ảnh hưởng nhất định  trong mắt mọi người, kể cả… quan tòa.
Chính tính chất đặc thù đó của vụ án hành chính đã chi phối ít nhiều đến thái độ tâm lý của những người có liên quan trong vụ án, người khởi kiện dễ có cảm giác của bên yếu thế; thậm chí thẩm phán trong nhiều trường hợp, thiếu khách quan, minh bạch khi xét xử. Nói án hành chính là loại án mà tòa “khó xử” và “xử khó” là vậy.
Nhìn nhận một cách khách quan thì bên bị kiện là cơ quan hành chính luôn có một bộ máy và đội ngũ công chức, có trình độ chuyên môn, có điều kiện tiếp cận thông tin và pháp luật. Khi bị kiện, cơ quan hành chính luôn có được thông tin cần thiết và cả điều kiện thu thập thông tin bổ sung để bảo vệ quyết định của mình trước tòa án; chưa kể, do có trình độ và bộ máy tư vấn nên bên bị kiện rất hay lách luật một cách tinh vi.
Bên cạnh đó, cơ quan hành chính có ngân sách nhà nước là nguồn lực dồi dào, trong khi người dân thường chỉ có khối tài sản tư của mình. Việc theo đuổi một vụ án hành chính thường phải tốn kém thời gian cũng như chi phí tố tụng nhất định, bởi vậy bao giờ cơ quan hành chính cũng có lợi thế hơn. Thực tế đã có nhiều trường hợp, người dân từ bỏ vụ án và chấp nhận thua cuộc không phải vì đuối lý, mà đơn giản chỉ vì không có thời gian, tiền bạc để đi cho đến cùng.
Xét về mặt chủ quan, hiện vẫn tồn tại tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm với chính quyền, tâm lý lo sợ không được tái bổ nhiệm khiến nhiều Tòa án, Thẩm phán “ngại” ngay từ khâu thụ lý vụ án hành chính, hoặc buộc phải thụ lý thì “kiểu gì cũng phải xử bác đơn” để được “an toàn”. Vụ kiện mới đây nhất của TAND huyện Cẩm Khê là một ví dụ. Mặc dù các chứng cứ, lập luận được nêu tại phiên tòa cho thấy việc Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên, Tòa đã bác đơn của ông Đặng Văn Thông yêu cầu hủy quyết định này, bất chấp sự bất bình của người dân tham dự.
Dường như với cơ chế như hiện nay, bổ nhiệm thẩm phán có một quy trình bắt buộc là phải xin ý kiến cấp ủy, mà cấp ủy thì bao giờ cũng có ông phó bí thư là Chủ tịch UBND- người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện – không ít thẩm phán “khó xử” là vì lẽ đó.
Rõ ràng, mô hình cơ quan xét xử theo đơn vị hành chính lãnh thổ như hiện nay và những mối quan hệ phụ thuộc về tổ chức, nhân sự giữa tòa án và chính quyền địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính độc lập trong xét xử của tòa án, đặc biệt khi bên bị kiện là các cơ quan trong bộ máy hành chính ở địa phương.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần xúc tiến thành lập mô hình Tòa khu vực để bảo đảm sự độc lập của tòa án hành chính đối với bị đơn về mọi phương diện, giúp người dân tiếp cận với công lý hành chính một cách hiệu quả nhất.
Công Tâm