Không còn cơ hội để giảm tiếp lãi suất

84

“Sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để NHNN giảm lãi suất là không có. Lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại, do vậy, tôi đồng tình với quan điểm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát”, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ ý kiến.

Cần tính đến bỏ trần lãi suất ngắn hạn

Theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, NHNN đã có bước đi thông minh khi bỏ trần lãi suất trên 12 tháng nhưng tới đây là thời điểm NHNN phải tính đến bỏ tiếp trần lãi suất ngắn hạn.

“Thực tế đang đặt ra cho NHNN câu hỏi có nên tiếp tục duy trì trần lãi suất nữa không? Nếu tiếp tục duy trì sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý. Bởi chúng ta quy định trần lãi nhưng các ngân hàng không nghe, không thực hiện được. Nếu tiếp tục duy trì trần thì NHNN phải yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện, còn không thực hiện được thì tốt nhất là bỏ”, TS. Nghĩa bày tỏ qua điểm.

Và để tránh hiện tượng ngân hàng đẩy lãi suất lên cao nếu NHNN bỏ trần huy động, TS.Nghĩa cho rằng, NHNN cần tuyên bố chỉ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích người gửi tiền chứ không có nghĩa vụ bảo vệ ngân hàng yếu kém dẫn đến phá sản. Điều này sẽ giúp người gửi tiền nhận diện được ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào mất thanh khoản nên phải tăng lãi suất lên cao.

Để đề xuất của mình thêm tính thuyết phục, TS.Nghĩa nêu ra thực tế việc một số ngân hàng lách trần lãi suất vài tháng gần đây. Về điều này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguyên nhân là do một số nhà băng yếu kém đang thiếu thanh khoản, nên cần huy động nhiều tiền để bù đắp trạng thái. Tuy nhiên, không riêng gì ngân hàng nhỏ, không ít ngân hàng lớn cũng vào cuộc đua lãi suất huy động, do mất khách hàng.

Đề cập tới việc giảm lãi suất cho vay, TS.Nghĩa cho rằng, nợ xấu đang là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và là cốt lõi của nền kinh tế hiện nay. Nợ xấu dẫn đến đóng băng tín dụng. Nếu chúng ta không gỡ được băng tín dụng thì không thể hạ lãi suất, các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Không còn dư địa giảm tiếp lãi suất

Trao đổi về chính sách tiề

n tệ thời gian qua tại buổi tọa đàm đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm 2012 và khuyến nghị chính sách sáng 5/11, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Chính sách tiền tệ năm 2012 có những điểm mới cơ bản so với trước đây, đặc biệt là NHNN đã chuyển sang chính sách tiền tệ theo hướng lạm phát mục tiêu.

“Dù đứng trước áp lực lớn là phải giảm lãi suất, mở rộng tín dụng nhưng NHNN rất kiên trì trong điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao hành động này của NHNN”, TS.Lê Xuân Nghĩa nói.

Cùng với chấn chỉnh về thanh khoản, theo TS.Nghĩa, NHNN cũng chấn chỉnh về liên ngân hàng. Thị trường liên ngân hàng có nhiều tồn tại, như việc tồn tại tài khoản cho vay là tiền gửi nhưng là cùng bản chất. Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng không duy trì khoản tiền gửi như khoản đầu tư mà chỉ là thanh toán, còn tài khoản cho vay thì chỉ mục tiêu dự phòng rủi ro.

Theo đánh giá của ông Nghĩa, sau khi chấn chỉnh, thị trường liên ngân hàng có sự chấn chỉnh mạnh mẽ, lãi suất giảm xuống nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết là ngân hàng nhỏ đi vay khó. Nhưng điều này thể hiện sự thật của thị trường, làm rõ uy tín của thị trường liên ngân hàng.

“Tới đây, sức ép giảm lãi suất lớn, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để NHNN giảm lãi suất là không có. Lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại, do vậy, tôi đồng tình với quan điểm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ngay cả từ nay đến cuối năm và trong năm 2013”, TS Nghĩa bày tỏ ý kiến.

Nguyễn Hiền