Cấp số định danh công dân: bước đột phá trong cải cách hành chính!

114

Chiều nay (8/6), ngay sau khi Thủ tướng ký Quyết định số 896/2013/QĐ-TTg ban hành Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định với PLVN: “Đề án sẽ tạo ra những đổi mới cơ bản và đột phá trong cải cách hành chính và giảm được nhiều chi phí cho xã hội”.

Đề án hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu này và những lợi ích mà người dân được hưởng?

– Trước hết đó là việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư thông qua việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân. Qua đó, tiết kiệm cho cả xã hội và tạo thuận lợi cho người dân như giảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra xã hội liên quan đến công tác quản lý dân cư, giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì các thông tin trùng lặp tại các CSDL, giảm tối đa việc nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi xây dựng và vận hành các CSDL chuyên ngành. Cụ thể tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng/năm cho phí thực hiện TTHC, giảm thiểu nhiều loại giấy tờ hộ tịch, tùy thân, sở hữu… cho người dân và bảo đảm không có sai lệch về thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, lĩnh vực.

Là cơ quan chủ trì xây dựng và đóng vai trò không nhỏ trong việc thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đã dự báo được những khó khăn, thách thức gì khi thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Đề án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thưa Thứ trưởng?

– Đề án này là đề án lớn, có qui mô và phạm vi trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội và có ảnh hưởng đến đời sống của gần 90 triệu dân, trong điều kiện thông tin cơ bản của công dân đang phân tán trong nhiều CSDL, do nhiều cơ quan quản lý nên việc thu thập, nhập thông tin của công dân (khoảng 20-25 thông tin/công dân) để xây dựng CSDL quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Đồng thời đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong việc thu thập, xác minh các thông tin trước khi nhập vào CSDL quốc gia về dân cư.

Tiếp đó là nguồn lực cho việc xây dựng CSDL quốc gia theo Đề án này không hề nhỏ. Dự kiến khoản chi khoảng 3-4 nghìn tỷ đồng sẽ là thách thức không nhỏ đối với Chính phủ trong việc phân bố nguồn lực cho việc thực hiện. Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Tư pháp, để phương án đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống cần thực hiện sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản qui phạm pháp luật. Những thách thức này sẽ khó có thể vượt qua nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp lớn của toàn xã hội.

Với những dự báo đó và điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, liệu mục tiêu đến năm 2020 sẽ cấp số định danh cá nhân cho toàn dân có thực hiện được hay không, thưa Thứ trưởng?

– Chính vì thế mà việc cấp kinh phí để đảm bảo tiến độ cấp số định danh cá nhân và xây dựng CSDL quốc gia sẽ cần được ưu tiên để giải quyết khó khăn về nguồn lực tài chính và con người trong thực hiện Đề án này.

Dự án Luật Hộ tịch đã được đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội để chờ Đề án này. Thứ trưởng có thể giải thích rõ về vai trò của Đề án đối với dự Luật được đánh giá có nhiều “cải cách” này?

-Trong dự án Luật Hộ tịch đưa ra định hướng đơn giản hóa TTHC về công dân với một trong các qui định là về số định danh được cấp cho công dân từ khi mới sinh. Đó là mã số của công dân để truy cập vào CSDL quốc gia về dân cư – nơi chứa đựng những thông tin cơ bản nhất của công dân. Vì thế Đề án này chính là cơ sở để xây dựng dự án Luật Hộ tịch. Để triển khai Luật Hộ tịch sau khi được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ có Nghị định về cấp số định danh cho công dân và văn bản về việc khai thác CSDL quốc gia về dân cư.

Thưa Thứ trưởng, thực hiện đề án này có chồng chéo với Đề án xây dựng CSDL quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng (theo Nghị định 90/2010/NĐ-CP) và dẫn tới nguy cơ lãng phí hay không?

– Không có sự chồng chéo vì Đề án của BCA về dân cư là một phần của Đề án tổng thể này. Nhiệm vụ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư trong Đề án này chính là nhiệm vụ mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công an thực hiện nhưng với yêu cầu không chỉ dừng lại ở mục tiêu quản lý nhà nước về dân cư mà phải đặt ưu tiên là việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện TTHC, giảm giấy tờ cho công dân,

Dự kiến, Đề án do Bộ Công an xây dựng sẽ được trình vào tháng 7 và được phê duyệt vào tháng 9 để bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho CSDL quốc gia về dân cư trong Đề án tổng thể vừa được ban hành hôm nay.

Vậy có thể khẳng định, việc Thủ tướng phê duyệt Đề án là “bước đột phá trong CCHC” hay không, thưa Thứ trưởng?

– Chắc chắn là như vậy vì Đề án được phê duyệt thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng một Chính phủ “gần dân, phục vụ nhân dân”. Đến nay, chúng ta đã đơn giản hóa được hơn 5.700 TTHC. Bộ Tư pháp đang cùng các Bộ, ngành triển khai 25 Nghị quyết của Chính phủ thực thi phương án đơn giản hóa TTHC. Nối tiếp thành công đó, nếu thực hiện thành công Đề án “tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020” sẽ tạo ra những đổi mới cơ bản và đột phá, chuyển biến căn bản trong quản lý dân cư, công cuộc CCHC ở nước ta thời gian tới, đặt nền móng cho việc việc phát triển Chính phủ điện tử nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 cho công dân.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng và hy vọng việc triển khai Đề án sẽ thành công để người dân sớm được thụ hưởng những lợi ích từ Đề án.

H.Giang (thực hiện)