Trình tự, thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án

36

Thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án được quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hưng Nguyên dưới đây.

MỤC LỤC

1. Quy định về thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn của Tòa án.

2. Trường hợp nào Tòa án không thụ lý vụ án khi nộp đơn khởi kiện.

3. Sau khi nộp đơn bao lâu tòa án sẽ quyết định thụ lý hay không thụ lý vụ án?

4. Đã khởi kiện ra tòa có thể thực hiện khiếu nại không?

5. Ghi ngày khởi kiện trong đơn khởi kiện như thế nào?

1. Quy định về thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn của Tòa án

Căn cứ theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện như sau:

– Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Trường hợp nào Tòa án không thụ lý vụ án khi nộp đơn khởi kiện

Căn cứ theo quy định tại Điều 192, 195 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, những trường hợp tòa án không thụ lý vụ án khi cá nhân, tổ chức gửi nộp đơn khởi kiện bao gồm những trường hợp sau:

– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

– Người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật;

– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về vấn đề nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

– Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

– Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo các yêu cầu của Thẩm phán;

– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

3. Sau khi nộp đơn bao lâu tòa án sẽ quyết định thụ lý hay không thụ lý vụ án?

Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện như sau:

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Như vậy, trong thời hạn quy định trên đây thì Thẩm phán sẽ ra quyết định có thụ lý vụ án hay không. Ngoài ra, bạn có thể xem thêm các quy định cụ thể về việc tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện bằng phương thức điện tử tại Điều 17 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP.

4. Đã khởi kiện ra tòa có thể thực hiện khiếu nại không?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại không được thụ lý như sau:

– Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.

– Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.

– Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

– Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 đã hết mà không có lý do theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 28/2018/NĐ-CP

– Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.

– Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

– Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.

5. Ghi ngày khởi kiện trong đơn khởi kiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về gửi đơn khởi kiện đến Tòa án như sau:

– Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

– Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

– Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

– Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

– Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

Như vậy, theo quy định như trên, khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện trực tiếp đến tòa án thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.

Bài viết trên luật Hưng Nguyên đã gửi tới bạn đọc chi tiết về Trình tự, thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án. Trong bài viết có mục nào chưa hiểu hay bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về vấn đề pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài: 0987 756 263 và liên hệ qua địa chỉ email: congtyluathungnguyen@gmail.com hoặc đến trực tiếp trụ sở của công ty tại địa chỉ: số nhà 14, tòa nhà N2, ngõ 90, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội để được hỗ trợ cụ thể. Bằng đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực pháp lý, luật Hưng Nguyên cam kết sẽ đưa đến dịch vụ pháp lý tốt nhất và đem đến sự hài lòng nhất từ khách hàng. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi chi tiết bài viết.