Công nghiệp ôtô trước nguy cơ hấp hối

78

Doanh số liên tục sụt giảm, thị trường ôtô rơi vào cảnh ế ẩm nhất 5 năm qua. Thuế phí cùng chính sách thay đổi chóng mặt càng bồi thêm đòn khiến ngành công nghiệp vốn đã rất ốm yếu này đến ranh giới sống còn.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số xe con trong 8 tháng (bao gồm nhập và lắp ráp) đạt 21.500 chiếc, bằng một nửa so với cùng kỳ 2011. Tính cả dòng thương mại (tải, bus, khách), lượng bán ra thời gian này vỏn vẹn 57.000 xe, giảm 38%.

Tác động xấu của thị trường khiến nhiều hãng phải thay đổi kế hoạch sản xuất. Toyota, nhà sản xuất có thị phần lớn nhất, điều chỉnh kế hoạch cả năm từ 36.000 chiếc xuống còn 25.000, giảm 30%. Liên doanh Nhật Bản cho biết vẫn duy trì 2 ca nhưng do giảm sản lượng nên thời gian rỗi của công nhân được dành cho đào tạo, nâng cao tay nghề.

Một số liên doanh không may mắn như Toyota phải áp dụng biện pháp chỉ làm 2-3 ngày vào một tuần thích hợp trong tháng. Không tiết lộ cụ thể lượng tồn kho nhưng Chủ tịch VAMA, ông Laurent Charpentier cho rằng với việc các hãng liên tục điều chỉnh doanh số thì có thể hình dung ra lượng tồn kho.

“Thông thường các nhà sản xuất lên kế hoạch từ cuối 2011. Đến 2012 một loạt chính sách thuế phí khiến thị trường rơi vào suy thoái. Nhưng linh kiện vẫn phải nhập, nhà máy vẫn phải chạy, có thể hình dung ra quy mô tồn kho lớn như thế nào”, Tổng giám đốc một liên doanh trong VAMA phân tích.

Theo Hiệp hội, doanh số dự kiến cả năm là 140.000 xe nhưng rồi phải hạ xuống 100.000. Kết quả thực tế có thể còn thấp hơn bởi qua 8 tháng mà chưa chạm mốc 60.000 xe. Ngay từ tháng 4, ông Laurent Charpentier nhận định toàn thị trường có thể chỉ đạt 81.000 chiếc, bằng doanh số của 5 năm về trước.

Tình hình cũng bi đát với các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc. Thông tư 20 ngăn dòng xe không chính ngạch. Nhưng nhà phân phối chính hãng cũng không vì thế mà vui mừng. Đầu năm Hyundai Thành Công đã phải điều chỉnh doanh số mục tiêu 18.000 đưa ra hồi đầu năm. Thậm chí theo số liệu mà VAMA tổng hợp, có tháng Hyundai Thành Công không nhập bất cứ chiếc xe nào.

Các doanh nghiệp như Renault, Volkswagen không khấm khá hơn. Một vài hãng còn bị hủy tới 60% hợp đồng đặt cọc. Lượng xe nhập trong 3 tháng gần đây chỉ đạt con số trên 1.000 xe mỗi tháng, thấp nhất trong nhiều năm. Bộ Công Thương cho biết tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 65% về lượng và 71,6% về trị giá.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua thấp, nhân tố khiến thị trường thêm sụt giảm được VAMA xác định là chính sách thuế phí thay đổi quá nhanh với mức quá cao như phí trước bạ 15%, 20% tại hai thị trường chính TP HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó là dự kiến áp phí hạn chế xe hơi của Bộ Giao thông Vận tải mà VAMA nhận định “rất cao so với đại bộ phận khách hàng có thể chi trả”.

“Dù chưa biết có ban hành hay không thì rõ ràng khách hàng e dè. Họ không mua một sản phẩm mà trong tương lai có nguy cơ bị đánh phí”, ông Laurent Charpentier phân tích.

VAMA không chỉ lo ngại trong ngắn hạn mà còn đặt ra câu hỏi với cách điều hành chính sách “sớm nắng chiều mưa” thì Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội.

“Nếu cứ tiếp tục vận hành theo kiểu đối phó thì không những không thu hút các nhà sản xuất, Việt Nam còn khiến liên doanh lắp ráp chuyển hết sang nhập khẩu. Khi đó ảnh hưởng tới việc làm và chất lượng sản phẩm”, một chuyên gia từng làm việc trong ngành ôtô Đức bình luận.

Theo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, từ ngày 1/1/2010, 6 nước thành viên ASEAN phải hạ thuế ôtô và phụ tùng ôtô nhập từ Trung Quốc từ 12,85% xuống còn 0,6%. Trong khi đó tỉ lệ thuế ôtô và phụ tùng của ASEAN xuất sang Trung Quốc giảm từ 9,8% xuống còn 0,1%. Thuế và phí của Việt Nam lại đang quá cao.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 65% về lượng và 71,6% về trị giá. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng lo ngại nếu thuế và phí ở Việt Nam quá cao thì các hãng ôtô trên thế giới sẽ sẵn sàng chuyển hướng sang Trung Quốc thay vì lắp ráp tại Việt Nam. Ngành công nghiệp ôtô nội địa sẽ hấp hối, thậm chí có nguy cơ chết yểu. Nếu chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, hàng trăm nghìn lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp.

Theo ông Doanh, ngoài việc thuế phí nặng nề, một trong các nguyên nhân khiến thị trường ôtô ảm đạm là hạ tầng giao thông còn nhiều bất ổn. Điều này dẫn đến một loạt các đề xuất cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Cụ thể là Bộ Giao thông vận tải đề xuất sẽ thu phí lưu hành, phí vào nội đô với mức thấp nhất 20 triệu đồng một năm.

“Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân đang thắt chặt chi tiêu, nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn lượng cầu ôtô sẽ còn tiếp tục giảm và thị trường ôtô Việt Nam vốn đã ế ẩm lại càng ế ẩm hơn”, ông Lê Đăng Doanh lo ngại.

Để gỡ khó cho thị trường ôtô, Tổng cục Hải quan vừa qua cũng cũng đã xuất nên nới điều kiện Thông tư 20 của Bộ Công Thương theo hướng loại bỏ điều kiện các nhà nhập khẩu phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ôtô sản xuất. Cơ quan này cho rằng, việc nới lỏng thủ tục nhằm tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được nhập khẩu ôtô, tránh sự độc quyền trên thị trường.

Còn phía VAMA cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là Chính phủ cần minh bạch các mức phí và hủy bỏ, không đề cập tới phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nữa. Ngoài ra, phí trước bạ cần được đưa về 5% với xe hơi và 2% với xe tải. Chỉ có như vậy thị trường sẽ hồi phục như 2011, tiền thuế thu về nhiều hơn để đầu tư hạ tầng.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông, sẽ thu phí một năm là 20 triệu đồng đối với ôtô có dung tích xi lanh không quá 2.000 cm3; 30 triệu đồng với ôtô có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 và 50 triệu đồng cho ôtô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.

Công ty Luật Hưng Nguyên (sưu tầm)