Sửa Luật Đất đai để dân yên tâm đầu tư

74

Chính phủ và Bộ TN&MT vừa chính thức bày tỏ quan điểm về hướng xử lý đối với đất nông nghiệp hết hạn sử dụng 20 năm vào 2013. Theo đó, nông dân sẽ tiếp tục được sử dụng ổn định thêm 20 năm nữa (đến năm 2033).

Nhưng nếu chỉ như vậy thì dường như vẫn chưa đủ để giải quyết căn cơ bài toán hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà.

Bỏ hạn điền, giao đất dài hạn mới khuyến khích nông dân làm ăn lớn ngay trên chính thửa ruộng của mình.

“Tôi cho rằng chuyện xóa bỏ hạn điền, giao đất lâu dài cho nông dân đến giờ mới tính đến là quá trễ. Bởi nó là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế. Ai cũng biết sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì không thể có lợi nhuận cao mà chất lượng hàng hóa thì cũng thấp kém” – ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), nhấn mạnh.

Có nhiều đất nhưng ngại nhiều bề

“Ở vùng này người có nhiều đất thiếu gì nhưng họ ngại, không dám nói ra” – bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SD, đóng tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) nói. Chính nhờ tích tụ ruộng đất mà giờ đây bà Thanh thành lập được công ty chuyên cung ứng lúa giống cho khắp vùng, với gần 2.000 công đất làm vùng nguyên liệu, sản xuất chính.

Bà Thanh kể 14 năm trước, vợ chồng bà vào khu cánh đồng tứ giác Long Xuyên này với hai bàn tay trắng. Nhờ tiết kiệm, chí thú làm ăn nên tích lũy vốn dần dần mua được đất. “Khi mua được nhiều, vượt hạn điền thì lo sợ Nhà nước sẽ phạt hoặc sau này khi hết thời hạn giao đất 20 năm sẽ chia lại ruộng đất nên ngại nhiều bề. Vì thế vợ chồng tui nghĩ cách nhờ người thân đứng tên giùm. Sau khi nhờ hết người trong nhà, tui lại nhờ đến những bà con thân quen có uy tín” – bà Thanh cho hay.

Theo bà Thanh, có rất nhiều bất tiện khi phải nhờ người khác đứng tên mảnh đất của mình. Bởi khi đã có khu đất rộng lớn thì phải cần vốn để sản xuất sao cho hiệu quả cao nhất, vậy là vay ngân hàng. Mỗi lần nhờ người đứng tên giùm đi ngân hàng làm thủ tục thì phải chạy vạy kiếm, rồi thuê xe chở người ta đi…, nói chung phải đối đãi với họ rất ưu ái mới êm chuyện. Khi trả tiền vay cũng vậy. Lo ngại nhất là thế hệ những người lớn tuổi mà mình nhờ đứng tên giùm trên giấy đỏ, lỡ họ có bề gì thì con cháu họ có làm khó khăn gì mình hay không. “Do vậy, dù ham đất đến mấy cũng chẳng an tâm đầu tư vào khu đất của mình” – bà Thanh kết.

Con đường tích tụ ruộng đất làm ăn lớn của bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM-DV Nghiên cứu và Sản xuất lúa giống AGI.SE Hùng Hạnh, đóng tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang), cũng tương tự. Hiện nay vợ chồng bà có hơn 320 công đất làm vùng nguyên liệu lập công ty cung ứng giống. “Nghe phong thanh Nhà nước không chia lại ruộng đất khi hết thời hạn giao, tiến tới bỏ hạn điền vợ chồng tui mừng lắm. Ai cũng biết chỉ có xóa bỏ hạn điền, giao đất cho nông dân lâu dài thì mới có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng được. Người tích tụ mới mạnh dạn kêu gọi cổ phần hoặc tự mình đầu tư đúng mức để khai thác tối đa tiềm năng của đất. Lúc đó mới có được hạt lúa chất lượng cao, nông dân có đất mới có thể làm giàu, còn người không có đất thì làm công nhân cho công ty, thu nhập và đời sống khá hơn nhiều” – bà Hạnh nói.

Con đường tất yếu để làm ăn lớn

Không chỉ có nông dân – những người trong cuộc mong muốn Luật Đất đai sửa đổi theo hướng giao đất lâu dài cho nông dân, đồng thời xóa bỏ hạn điền để khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, các chuyên gia cũng cùng chung quan điểm này.

Ông Nguyễn Văn Hơn (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang), bày tỏ: “Bỏ hạn điền, thời hạn giao đất và công nhận quyền sở hữu theo hướng đa sở hữu đối với đất đai là yêu cầu cấp bách. Gần như ai cũng thấy rằng sản xuất nhỏ lẻ sẽ không hiện đại được, không tập hợp được nông dân và ruộng đất để hình thành tổ chức sản xuất lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nền nông nghiệp đi lên phát triển bền vững”. Ông Hơn cũng lưu ý tổ chức sản xuất lớn này không phải là hợp tác xã kiểu cũ, làm người nông dân mất đất. Đó phải là mô hình hợp tác làm ăn bình đẳng, ở đó người dân hùn đất và được chia lãi theo cổ phần. “Thật ra chuyện này cần phải làm lâu rồi nhưng tại mình điều chỉnh quá chậm. Do hoàn cảnh lịch sử lúc đó mình muốn dân mình ai cũng có đất canh tác nên đặt ra hạn điền nhưng cái này theo thời gian đã không còn phù hợp. Thêm vào đó mình sợ trở lại chế độ địa chủ như ngày xưa nhưng giờ thì ở đâu mà có” – ông Hơn phân tích.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho rằng xóa bỏ hạn điền, giao đất lâu dài cho nông dân để tích tụ sản xuất lớn luôn luôn tốt còn chuyện lộ trình tích tụ thế nào lại là chuyện khác. “Về mặt chính sách tôi thấy đã cơ bản đủ để thực hiện lộ trình giải quyết những vấn đề liên quan đến tích tụ ruộng đất. Thực ra nghị quyết của Đảng về nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã bật đèn xanh cho tích tụ ruộng đất rồi. Ở An Giang, mô hình cánh đồng lớn là một bước đột phá cho chuyện sản xuất lớn bởi ở đó có cả một cụm dịch vụ lúa gạo. Đó là mô hình tích tụ bền vững, có khả năng tạo ra cơ hội cho người không có đất” – ông Năng nói.

Thời hạn và hạn điềnTheo Luật Đất đai 2003, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm là 20 năm. Điều 70 Luật Đất đai 2003 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha đối với mỗi loại đất. Bên cạnh đó, Nghị quyết 1126/2007 của Ủy ban Thường vụ QH quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối là không quá 6 ha đối với các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 4 ha đối với các tỉnh, TP trực thuộc trung ương còn lại.***Ngồi bên họng súng mà không hayTrước đây có người nói nước ta có tới 700 văn bản, gần đây thì Chính phủ nói có khoảng 400 văn bản liên quan đến quản lý quyền sử dụng đất của dân. Chính những cái này gây điên đầu cho các cấp quản lý vì đa số khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai mà chủ yếu là liên quan đến Nhà nước chứ người dân kiện tụng nhau chẳng là bao. Tôi nói lâu nay chúng ta ngồi bên họng súng mà không hay. Đến khi một người dân từng đi bộ đội, đi tiên phong lấn biển hành động quẫn trí đứng lên chống lại mới giật mình.Chuyện tích tụ ruộng đất cứ để xã hội tự nhiên điều chỉnh. Nhà nước đứng vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ. Sửa luật thì chúng ta cũng phải sửa đồng bộ. Sửa Luật Đất đai, sửa hiến pháp và sửa Luật Tổ chức HĐND và UBND. Không thể để cả bốn cấp quản lý đất đai đều có thể lấy đất dân như hiện nay.Ông NGUYỄN MINH NHỊ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Công ty Luật Hưng Nguyên – VĨNH SƠN