Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ. Tuy chưa có phương án cụ thể về mức thu, cách thức thu, nhưng Nghị định này nêu rõ ô tô và xe máy bắt đầu phải nộp phí bảo trì từ ngày 1/6/2012.
Theo đó, Quỹ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ô tô, máy kéo, xe sơ-mi rơ-mooc được kéo bởi ô tô, rơ-mooc, xe mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, xe gắn máy.
Ngoài ra, Quỹ này cũng sẽ được Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm, ngân sách Trung ương cấp cho Quỹ bảo trì Trung ương, ngân sách tỉnh/thành phố cấp cho Quỹ địa phương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.Theo Nghị định, phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô, xe máy địa phương nào sẽ bổ sung vào quỹ của địa phương đó; phí thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ Trung ương 65%, Quỹ địa phương là 35%.Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý nhà nước về đường bộ theo quy định của pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ Trung ương theo quy định; chủ trì xem xét đề xuất của Hội đồng quản lý Quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của quỹ này.Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Quỹ Trung ương; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng quỹ theo quy định; hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức thu phí hàng năm đối với xe máy.UBND tỉnh cũng có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ liên quan để tiến hành thu, quản lý và sử dụng của Quỹ địa phương.Trước đó, vấn đề thu phí sử dụng đường bộ và lập Quỹ bảo trì đường bộ đã được bàn bạc rất nhiều trong năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan đã có những thống nhất về phương án và cách thức thu. Trong đó, thống nhất thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, bao gồm: ô tô, mô tô và xe máy. Hình thức thực hiện là thu hàng tháng và chia theo nhóm phương tiện. Mức thu phụ thuộc vào trọng tải và loại phương tiện sử dụng đường bộ.Mức thu với ô tô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng; Mức thu đối với mô tô và xe máy được chia làm 4 nhóm: thấp nhất là 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm.Về cách thức thu phí, cơ quan thuế sẽ phát hành hóa đơn thu phí, trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ tại các địa phương sẽ thực hiện công tác thu phí. Theo đó, chủ phương tiện có thể các trung tâm đăng kiểm này đến mua vé theo tháng, 3 tháng hay nửa năm…Tuy nhiên, mức phí các phương tiện sử dụng đường bộ phải nộp và cách thức thu này sau đó đã được sửa đổi lại cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Được biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã có dự thảo mới về mức thu và cách thức thu mới nhưng chưa được công bố.Như vậy, theo như văn bản quy định Chính phủ vừa ban hành thì Nghị định Quỹ bảo trì sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6, tức là chỉ còn hơn 2 tháng nữa các phương tiện là ô tô xe máy sử dụng đường bộ sẽ phải nộp phí bảo trì.Từ chiều qua 14/3, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo và các vụ, ngành có liên quan đến Đề án Quỹ bảo trì của Bộ Giao thông Vận tải để tìm hiểu thông tin về mức thu và cách thức thu trong dự thảo mới, nhưng đều không nhận được kết quả nào. Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ này cũng chưa nhận được văn bản dự thảo mới Bộ Giao thông Vận tải chuyển sang.Quỳnh Anh