Bộ Tư pháp “xử“ vi phạm hành chính trong phá sản doanh nghiệp?

394

Trong số rất nhiều vấn đề được thảo luận tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, các ý kiến đều cho rằng, “quan trọng là mức phạt phải hợp lý đối với người dân, nhất là người thu nhập thấp và tính khả thi của qui định về quyết định xử phạt”.

Hiện ngoài Nghị định 60/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp, có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình (NĐ 87/CP) và Nghị định về xử phạt hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản (NĐ 10/CP).

Dự kiến Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp sẽ “thâu tóm” cả 3 nghị định hiện hành và qui định về hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với 16 lĩnh vực thuộc 5 lĩnh vực lớn là hôn nhân gia đình, phá sản doanh nghiệp, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và THADS.

Vấn đề được quan tâm là mức phạt và tính khả thi của thi hành các quyết định xử phạt. Các thành viên Ban soạn thảo cho rằng, “quan trọng là mức phạt phải hợp lý đối với người dân, nhất là người thu nhập thấp và tính khả thi của qui định về quyết định xử phạt”.

Từ thực tiễn thi hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), lo ngại, các quy định xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình hiện “chưa phạt được ai, tình trạng “phạt chồng nhưng vợ lại đi nộp” không có tác dụng răn đe, thậm chí còn bị coi là gây phiền hà. Vì thế, phải “tính” sao để các quy định của dự thảo Nghị định về vấn đề này có tính thực tiễn”.

Còn đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tư pháp) – bà Nguyễn Minh Phương lưu ý, “phạt ai và phạt như thế nào đối với những vi phạm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cần phải được bàn kỹ, chỉ cần nêu mà không cần qui định cụ thể trong Nghị định vì đã có sự điều chỉnh của Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà nước (do đa số là người thi hành công vụ)”.

Đề cập đến lĩnh vực hành chính tư pháp, bà Nguyễn Thị Lanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, nhiều lĩnh vực của hộ tịch không thể ghép vào lĩnh vực hôn nhân gia đình, như những vi phạm về khai sinh, khai tử; hoặc có nhiều vấn đề vừa liên quan đến vấn đề hộ tịch vừa liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình như nuôi con nuôi. Thậm chí có những vấn đề không biết đặt vào đâu, như quốc tịch, nên cân nhắc để đưa vào Dự thảo Nghị định cho hợp lý.

“Không hiểu vì sao giao cho Bộ Tư pháp xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản danh nghiệp”, bà Đỗ Hoàng Yến băn khoăn về việc phá sản có thuộc lĩnh vực tư pháp hay không và nếu có thì được quy định vào lĩnh vực cụ thể nào để xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định này đối với lĩnh vực phá sản.

Trưởng Ban soạn thảo – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cũng chia sẻ những băn khoăn đó vì “Bộ Tư pháp không liên quan trực tiếp đến phá sản doanh nghiệp”.

Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị định này sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ vào tháng 5/2013.

Huy Anh