Hôm nay, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi sáng, trước khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Đây là điều mà cử tri cả nước rất mong đợi và là lần đầu tiên việc thực hiện lời hứa được Chính phủ báo cáo trên diễn đàn Quốc hội.
Bản báo cáo nói trên của Chính phủ được tổng hợp từ nội dung báo cáo việc thực hiện lời hứa của 9 Bộ trưởng đã đăng đàn trong 2 kỳ họp trước. Việc thực hiện lời hứa của từng vị Bộ trưởng đã được gửi đến ĐBQH trước khi phiên chất vấn diễn ra.
Đây là việc làm chưa có thông lệ mà trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc đã nhấn mạnh “ai không thực hiện lời hứa, tín nhiệm thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (nếu Quốc hội thông qua sẽ được thực hiện từ năm 2013-PV). Và đó là chế tài cho việc không thực hiện lời hứa”.
Bên hành lang kỳ họp, nhiều ĐBQH đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng có nhiều chuyển biến. Nhiều chất vấn, đề xuất, kiến nghị của ĐBQH đã được tiếp thu bằng những việc làm thực tế. Lâu dài hơn, đóng góp của ĐB đã được tiếp thu để đưa vào sửa đổi, bổ sung các dự án luật. Tuy nhiên, một số ĐB cũng chưa hài lòng vì một số vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết rất chậm.
Sau báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Dù trước đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không có tên trong danh sách gửi xin ý kiến ĐBQH, tuy nhiên, trên cơ sở lấy ý kiến đại biểu và tổng hợp các chất vấn bằng văn bản, Bộ Công Thương có số lượng chất vấn đứng hàng thứ 3. Các nhóm vấn đề dành chất vấn Bộ trưởng Công thương sẽ liên quan đến giải quyết hàng tồn kho, quản lý thủy điện, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…
Cũng theo chương trình, chiều nay, sau phần trả lời của Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ trả lời chất vấn về các giải pháp xử lý tồn đọng bất động sản và giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới; chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có Thủy điện Sông Tranh 2…
Đăng đàn tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về nhiều vấn đề không mới nhưng được dư luận cả nước quan tâm đó là về trách nhiệm trước những tiêu cực, sai phạm ở một số bệnh viện; việc giáo dục nâng cao y đức; về giá viện phí mới quá cao, về quản lý giá thuốc…
Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến nhận được câu hỏi về việc nhiều thai phụ tử vong, về tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và hiện tượng mất cân bằng giới tính; về tình trạng quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém…
Đáng chú ý, tại phiên chất vấn lần này, vẫn có sự xuất hiện của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dù ông đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai (và mới đây tại phiên họp hồi tháng 8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và tham gia giải trình các vấn đề thuộc quản lý của ngành nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội.
Tuy nhiên, theo thống kê của Đoàn thư ký kỳ họp, Thống đốc Bình là người nhận được nhiều chất vấn nhất của ĐBQH. Các câu hỏi ĐBQH gửi đến Thống đốc Nguyễn Văn Bình là về vấn đề quản lý, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; dư nợ tín dụng thấp mà DN không vay được vốn để sản xuất kinh doanh, tình trạng nợ xấu, giải pháp căn bản xử lý nợ xấu; quản lý nhà nước về thị trường vàng miếng; thực trạng các DN khó tiếp cận nguồn vốn và điều kiện tiếp cận vốn để tháo gỡ khó khăn cho DN, về tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng…
Kết thúc 2,5 ngày chất vấn và nghe trả lời chất vấn, theo thông lệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đăng đàn giải trình thêm các vấn đề về công tác điều hành của Chính phủ và trả lời các câu hỏi của ĐBQH tại hội trường.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):SJC là cái gì mà để người dân thiệt hại một cách vô lối như thế?– Tôi quan tâm đến quản lý vàng miếng, đó là vấn đề mà cả xã hội ai cũng bức xúc, SJC là cái gì mà để người dân thiệt hại một cách vô lối như thế?. Đó là biểu hiện của lợi ích nhóm, nhà nước không được lợi gì ở đấy. Phải giải trình rất rõ không thì cả ĐB và dân đều thắc mắc. Bên cạnh đó là vấn đề nợ xấu.ĐBQH đã nói từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII mà bây giờ vẫn cứ mù mờ, không biết nợ xấu nằm ở đâu.Tôi mong rằng năm sau, Quốc hội nên thực hiện giám sát về vấn đề này. Tuy nhiên, để tìm giải pháp căn cơ thì sau chất vấn cả Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành đều phải vào cuộc để tháo gỡ chứ ĐB chất vấn mà chỉ có một ngành, một cấp làm thì không thể làm nổi.
ĐBQH Trần Du Lịch ( TP HCM): Tôi sẽ chất vấn về nợ xấu, vàng và ngân hàng – Trong lĩnh vực của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tôi sẽ chất vấn về chuyện nợ xấu và giải quyết nợ xấu ra sao; thứ hai là vấn đề quản lý thị trường vàng; thứ ba, là phải công khai quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, phải chỉ rõ ra ngân hàng nào thanh khoản kém Chính phủ phải cấp vốn, ngân hàng nào phải giải thể, sáp nhập. B.A |
Thu Hằng