Không có điều gì cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp

67

Bản dự thảo Hiến pháp với các nội dung được sửa đổi toàn diện được công bố ngày 2/1 tới và lấy ý kiến góp ý của người dân đến 31/3. Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết không có điều gì cấm kỵ khi người dân góp ý.

Chiều 29/12, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức họp báo về việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý – Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết ngày 2/1/2013, bản Dự thảo Hiến pháp sẽ được công bố đến toàn dân.UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ có một bản thuyết minh về những vấn đề cần phải sửa đổi trong Hiến pháp để nhân dân nắm rõ và đưa ra ý kiến của mình.

Ông Lý phân tích, ở Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp của Việt Nam các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến nhân dân.

Sau khi bản dự thảo được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng vào ngày 2/1 tới, nhân dân sẽ có 3 tháng (kéo dài đến 31/3) để tham gia, góp ý về toàn bộ dự thảo, với các nội dung quan trọng như chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước…

Lần lấy ý kiến này hướng tới tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở TƯ và địa phương.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý phân tích, mục đích của việc này là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QĐ13; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.

Về nội dung bản dự thảo sắp được công bố và đưa ra lấy ý kiến ngươi dân, Trưởng Ban biên tập cho biết có nhiều phần tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp vừa qua.

Bản dự thảo đã thêm thiết chế Hội đồng Hiến pháp với nhiệm vụ phát hiện các vi phạm Hiến pháp, đặc biệt trong các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh các thiết chế độc lập khác như Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Điều 4 tại dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này cũng có một bổ sung rất quan trọng là quy định thêm trách nhiệm của Đảng, làm rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng. Nhân dân có thể góp ý về điều này như các nội dung khác, không có gì cấm kỵ.

Liên quan đến vai trò của các thành phần kinh tế, theo Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, đồng thời là Phó trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thì cũng có thay đổi. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo mới nhất đã không còn quy định cụ thể tên và vai trò của từng thành phần kinh tế nữa.

Về một số nội dung cụ thể khác, ông Lý nhấn mạnh, dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền công dân…

Dự thảo cũng đã quy định nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, xác định rõ hơn chức năng của các cơ quan thực hiện các quyền này và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này…

P.Thảo