Luật sư giỏi: ““NÚT THẮT” giám đốc thẩm trong hành trình “ngâm án”… hành dân?!”

395

Tìm Luật sư giỏi, luật sư uy tín, văn phòng luật sư uy tín ở Hà Nội là một nhu cầu thiết yếu của người dân. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài báo trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư Hà Nội. Trân trọng

Khi bản án được các cấp tòa tuyên còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm, sự trông chờ vào sự phân xử ở phiên tòa giám đốc thẩm được coi là cứu cánh cuối cùng đối với nhiều người, nhưng thủ tục nhiêu khê, kéo dài và “nút thắt” mang tên… “ngâm án” đã trở thành nỗi ám ảnh trong hành trình đi tìm cán cân công lý của người dân.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về hàng nghìn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm – con số cao nhất từ trước tới nay. Ông Trương Hòa Bình cũng tự nhận  thấy việc xét xử chưa đạt kết quả như mong muốn của Quốc hội và nhân dân.

“Ngâm án”…!!!

Đến giờ Luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư Hà Nội vẫn không thể quên được một sự vụ mà ông đã dày công theo đuổi suốt nhiều năm. Đến lúc này, luật sư Cường cũng chỉ biết trách bản thân mình. Hỏi ra mới biết, vụ việc đó hết sức đơn giản liên quan đến một vụ kiện dân sự  về tranh chấp đất đai, qua hai cấp xét xử(sơ thẩm và phúc thẩm) vẫn còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sau khi có kháng nghị, cả nguyên đơn và bị đơn  hồi hộp chờ đợi suốt hơn 3 năm trời mà vẫn chưa nhận được thông tin xét xử. Đáng nói, trong suốt quãng thời gian lẽo đẽo “gánh án” chờ đợi các cấp tòa xét xử, phía nguyên đơn lao đao vì nợ nần, còn bị đơn cũng chẳng kém phần thiệt thòi, khi không có mảnh đất cắm dùi.

Tương tự, bản báo cũng nhận được nguồn tin từ VKSND Tối cao rằng, đơn vị này vừa nhận được đơn của Lê Phương Trang(ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Mới đây, ông Trang đã gửi đơn đến cục Điều tra VKSND Tối cao đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp vì gần ba năm nay không xét xử một vụ tranh chấp mà ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan  tới bản án  đã có hiệu lực pháp luật do TAND TP. Cao Lãnh xét xử.

Tháng 9/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp kháng nghị giám đốc thẩm bản án có hiệu lực pháp luật do TAND TP.Cao Lãnh xét xử. Từ đó đến nay ông Trang nhiều lần yêu cầu Ủy ban thẩm  phán TAND tỉnh Đồng Tháp xem xét xử giám đốc thẩm, nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Sau nhiều lần khiếu nại, TAND Tối cao cũng đã có công văn đôn đốc TAND tỉnh Đồng Tháp nhưng đến nay Ủy ban thẩm phán của tòa án này vẫn chưa mở phiên họp giám đốc thẩm.

Nguồn thông tin từ TAND Tối cao cho hay, mới đây, chị Lê THị Thanh( ngụ quận Ngò Vấp, TP. HCM) – nguyên đơn trong một vụ ly hôn do TAND tỉnh Bến Tre giải quyết phúc thẩm vào tháng 4/1996 đã có đơn gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao để hỏi về kết quả giải quyết vụ án của chị sau khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm từ… 15 năm trước.

Cụ thể, hai năm sau phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn của chị, tháng 8/1998, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị phần chia tài sản, đề nghị giám đốc thẩm hủy phần này, giao về cho TAND tỉnh Bến Tre xét xử lại và tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm. Và, cho đến hôm nay, chị vẫn chưa nhận kết quả giám đốc thẩm vụ án.

Tồn đọng…

Theo đại diện TAND Tối cao việc tồn đọng các án ở các cấp vẫn thường xảy ra, tuy nhiên số lượng cũng được tinh giảm dần. Để chứng minh, đại diện đơn vị đưa ra con số, trong năm 2013, TAND Tối cao đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm,tái thẩm – con số cao nhất từ trước tới nay. Nhưng đáng nói trong số đưa ra thì phần lớn là giải quyết những tồn đọng của năm trước với con số gần 11.000 đơn và hiện còn chưa đầy 4.000 đơn chưa giải quyết.

Một thẩm phán thuộc TAND Tối cao khi được đặt câu hỏi, cho rằng: Giám đốc thẩm, Tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ. Việc  kháng nghị chỉ giao cho duy nhất người đứng đầu các ngành Tòa án,Viện kiểm sát thực hiện. Nhưng cách làm hiện nay dẫn đến nhận thức của xã hội, kể cả cơ quan Nhà nước xem giám đốc thẩm , tái thẩm là cấp xét xử thứ ba. Tâm lý người dân dường như thiếu tin ở cấp phúc thẩm, cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ ba này, làm thay đổi bản án và thời gian qua nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.

“ Vì thế, trừ những vụ có kháng nghị, dù các các cấp tòa có xử đúng đến mấy thì người dân vẫn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Nhưng phải thừa nhận, việc thì nhiều  nhưng nhân lực thì hạn chế nên không tránh khỏi việc tồn đọng án năm này sang năm sau. Bên cạnh đó, việc giải quyết án tồn cũng đã chiếm phần lớn thời gian nên tất yếu nảy sinh những vụ án bị kéo dài, thậm chí là kéo dài đến nhiều năm không được xử” ,vị này cho hay.

…Khắc phục?

Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên( đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì: “Tình trạng án giám đốc thẩm bị ngâm lâu mới đưa ra xem xét là có nguyên nhân từ thực tiễn. Dù cho luật có quy định nhưng cho đến hiện tại chưa có Nghị quyết nào của Hội đồng thẩm phán về việc hướng dẫn phiên họp giám đốc thẩm, trình tự thủ tục , thời gian, trình tự mở phiên tòa giám đốc thẩm. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 291  Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) là Ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động của Tòa án nhân dân tối cao vẫn đang còn lúng túng và có khi ở đâu đó vẫn lạm dụng vào sự thiếu chặt chẽ của luật để cố tình “ngâm”, thậm chí còn có tiêu cực khác trong việc giám đốc thẩm đối với bản án.

Bộ luật TTDS quy định về khiếu nại, tố cáo,thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm chung chung, vì thế khi quyền lợi bị xâm phạm hoặc khi phát hiện vi phạm về thời hạn hoặc bị “ngâm án” thì đương sự, người có thẩm quyền kháng nghị không biết gửi đến cơ quan nào mà chỉ gửi kiến nghị lên chính cơ quan được giao có thẩm quyền giải quyết giám đốc thẩm, bởi thế hiệu quả, hiệu lực chưa cao. Để khắc phục tình trạng ngâm án giám đốc thẩm thì cần sửa đổi Bộ luật TTDS, bổ sung, thêm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn giám đốc thẩm”, vị luật sư nói.

Nhiều luật gia và chuyên gia pháp lý khi được hỏi đều có chung kiến nghị, những vụ án có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thường rất phức tạp, để bảo đảm quyền lợi của người bị kết án về quyền bào chữa thì phải mời họ đến, nghe lời khai mới, chứ không chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo bút lục hay báo cáo của chuyên gia; đồng thời phải báo đảm cho luật sư, người đại diện hợp pháp của họ tham gia quá trình giám đốc thẩm, tái thẩm. Có vậy mới làm minh bạch thông tin và giám sát được cách làm án của các cơ quan tố tụng.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Luật không quy định cụ thể thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là bao lâu nhưng quy định: “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên tòa giám đốc thẩm để xét xử vụ án”

Có nên chấp nhận sống chung với tình trạng phạm luật của cơ quan tố tụng?

Luật sư Lê Cao(công ty Luật hợp danh FDVN – đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) lo ngại, việc người dân đang dần chấp nhận thói quen trong mòn mỏi chờ đợi phiên giám đốc thẩm được mở… sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống xã hội.

“Lơ luật” và xem nhẹ trách nhiệm

Luật sư Lê Cao cho biết, theo Điều 293 của bộ luật Tố tụng Dân sự(BLTTDS) thì  thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm đã được quy định rõ là bốn tháng. Cụ thể , trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để giám đốc thẩm vụ án. Như vậy, câu chuyện ở đây cần xem xét liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật của chính tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm. Nhiều trường hợp, những người tiến hành tố tụng đã “Lơ luật” xem nhẹ trách nhiệm của mình, hoặc vì các lý do nào đó mà họ đã không làm theo pháp luật đã định.

Theo luật sư Cao, hiện nay, BLTTDS có hẳn một Chương(Chương XXXIII) quy định về khiếu nại, tố cáo. Theo đó cá nhân,cơ quan , tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là các quy định khá chung chung nêu lên quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, trách nhiệm giải quyết khiếu nại mà chẳng có quy định nào xác định chế tài, nếu việc khiếu nại của người dân là đúng ,hành vi,quyết định trong hoạt động tố tụng của người, cơ quan tiến hành tố tụng sai.

Ngoài ra, theo khoản 4,Điều 3,  luật Khiếu nại năm 2011 thì căn cứ vào luật khiếu nại, tòa án nhân dân tối cao phải ban hành quy định, việc khiếu nại và giải quyết  khiếu nại trong cơ quan mình. Thế nhưng, cho đến nay thì chưa thấy có quy định cụ thể nào về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với ngành tòa án một cách cụ thể.

Không nên im lặng

Theo luật sư Lê Cao, luật quy định, thời hiệu khiếu nại là mười lăm ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Do đó,đối với việc không mở phiên giám đốc thẩm trong vòng 4 tháng, thì theo thời hiệu luật định thì người dân có quyền khiếu nại đến Chánh án TAND cấp tỉnh, hoặc nếu không được giải quyết thì khiếu nại lên Chánh án TAND Tối cao. Tuy nhiên, cách làm này chỉ là tiếng kêu cứu trong vô vọng khi những người nhân danh công lý không làm theo luật, vì vậy, rất dễ bị “dìm” đi. “ Tôi nghĩ rằng, người dân nên quen dần với thái độ không thỏa hiệp với việc làm sai luật của cơ quan tiến hành tố tụng, dù trong hoàn cảnh nào.Rõ ràng, nếu thấy sau thời hạn luật định mà hồ sơ, yêu cầu giải quyết của mình, vấn đề của mình không được giải quyết theo luật, cần lên tiếng, khiếu nại quyết định, hành vi đó ngay. Chỉ có đấu tranh và lên tiếng với những tiêu cực, thì mới mong tiêu cực giảm xuống. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp người dân ở thế yếu, lại không dễ dàng nhận được sự trợ giúp  về pháp lý nên khó để bảo vệ quyền của mình”, ông Cao nói.

NHÌN THẲNG – NÓI THẬT NGUYÊN CHÁNH TÒA KINH TẾ TAND TỐI CAO – ÔNG ĐỖ CAO THẮNG: Không ngoại trừ yếu tố tiêu cực?!

Nhằm giải mã những “ nút thắt” được ví như “barie ngâm án” ở cấp giám đốc thẩm, PV báo ĐSZPL đã có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh tòa Kinh tế(TAND Tối cao). Ông Thắng cho biết, có nhiều lý do, không ngoại trừ những yếu tố tiêu cực…

Ông có thể lý giải yếu tố cốt lõi được coi là “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong các vụ án ở cấp giám đốc thẩm?

Có rất nhiều nguyên nhân cho việc chậm trễ này, không chỉ riêng TAND Tối cao mà là cả nước. Nhưng theo tôi, nguyên nhân nổi cộm vẫn là do nguồn nhân lực thiếu. Chỉ tính riêng TAND Tối cao cũng chỉ có mấy chục người, chỉ bằng một tòa tỉnh trong khi phải “ gánh án” của cả nước ắt không tránh khỏi chuyện này. Cũng không ngoại trừ yếu tố tiêu cực.

 Xin ông nói rõ hơn về yếu tố tiêu cực này?

Chẳng hạn như lo sợ bị hủy án nhiều, rồi có thể là do mục đích này, mục đích khác, rất là khó nói nhưng tựu lại là không ngoại trừ vì động cơ cá nhân, động cơ không trong sáng khiến cho án bị “ ngâm”. Bên cạnh đó không ít thẩm phán chưa đề cao trách nhiệm, sợ “dính” án hủy sẽ không được tái bổ nhiệm. Vì thế họ chưa chủ động liên hệ, đôn đốc trong trường hợp các cơ quan hữu quan chậm trả lời. Thậm chí, có trường hợp ngay trong cùng đơn vị hành chính nhưng thẩm phán không trực tiếp làm việc mà thụ động chờ kết quả. Lãnh đạo tòa án một số đơn vị  chưa sâu sát trong quản lý, chưa tích cực  đôn đốc thẩm phán giải quyết. Thẩm phán khi gặp những vụ án phức tạp, chưa chủ động báo cáo lãnh đạo để bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn,vướng mắc; có người chờ lãnh đạo cho ý kiến.

Tuy nhiên, để làm rõ thì lại rất khó, phải có cơ sở để chứng minh chuyện đó. Nói vậy, không phải không có tiêu cực, có nhưng chỉ là số nhỏ, vấn đề làm sao vạch ra, đưa ra ánh sáng mới là chuyện khó.

Theo ông ngoài ra còn có những “điểm nghẽn” nào cần nhắc tới ở mảng giám đốc thẩm?

Có chứ, chẳng hạn có trường hợp thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án thì được điều động sang đơn vị khác, chuyển công tác, hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, nên giao hồ sơ thẩm phán khác dẫn đến án bị quá hạn kéo dài. Ngoài ra, có nhiều trường hợp sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa tốt hoặc chưa tích cực hợp tác  với tòa án trong việc cung cấp văn bản tài liệu hoặc chậm tham gia Hội đồng định giá, giám định; nhiều trường hợp do thiếu quy định và hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc nhận thức và áp dụng chưa thống nhất nên chưa thể xét xử.

Liệu có biện pháp hữu hiệu nào nhằm giảm thiểu tình trạng “ ngâm án” ở cấp giám đốc thẩm như hiện nay, thưa ông?

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng để giải quyết vấn đề trước mắt, tôi đồng thuận với ý kiến,kiến nghị lãnh đạo TAND cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, nghe các thẩm phán có án quá hạn báo cáo,tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật. Những vụ án vướng mắc về nghiệp vụ, cần phải sớm có hướng dẫn kịp thời. Nếu thiếu thẩm phán thì đề nghị điều động, biệt phái hoặc đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải quyết. Với những thẩm phán để án quá hạn trên một năm cần kiểm tra làm rõ, nếu do lỗi chủ quan vì thiếu trách nhiệm phải kiểm điểm,xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông!

“Xử giám đốc thẩm, tái thẩm sai chưa được đề cập xử lý”

“Phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chất lượng công tác giải quyết khiếu nại nại giám đốc thẩm vẫn chưa ngang tầm, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Lượng đơn khiếu nại vẫn cao và chưa có chiều hướng giảm nhưng tỉ lệ trả lời đơn khiếu nại lại vẫn thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra;có trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá hạn ,gây phương hại đến quyền lợi của công dân thế nhưng vấn đề xem xét trách nhiệm của người có thẩm quyền giám đốc thẩm , tái thẩm quá hạn, cũng như việc xử giám đốc, tái thẩm sai chưa được đề cập xử lý”. (PV TRẦN QUYẾT – ONG LÝ thực hiện)-  Theo báo Đời sốngZPháp luật số 23  ra ngày 21/2/2014 .