Những khoảng trống về luật

99

Tại Luật Doanh nghiệp 2005, các quy định về đại hội đồng cổ đông bất thường chỉ được nhắc đến hai lần tại khoản 1 và khoản 3 điều 97 và đang để lại nhiều khoảng trống. Bài viết này nhằm gợi ý bổ sung những giải pháp cho khoảng trống này.

Luật Doanh nghiệp chỉ quy định chung về đại hội đồng cổ đông nên người tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường không biết làm thế nào cho đúng. Vì vậy, các đại hội đồng cổ đông bất thường luôn đứng trước nguy cơ bị khởi kiện, yêu cầu hủy kết quả của đại hội theo quy định tại điều 107 Luật Doanh nghiệp 2005.

1. Về căn cứ triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường

Căn cứ để cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần có quyền biểu quyết có quyền yêu cầu hội đồng quản trị triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường được quy định tại điểm a khoản 3 điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005  “3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây: (a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao”.

Quy định này có những điểm chưa rõ như: thế nào là vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, thế nào là quyết định vượt quá thẩm quyền được giao. Hiện tại các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra những căn cứ để chuẩn hóa việc hội đồng quản trị vi phạm. Từ quy định không rõ ràng trên mà Hội đồng quản trị từ chối đề nghị của nhóm cổ đông hoặc nhóm cổ đông lợi dụng để đưa ra các yêu cầu làm mất ổn định của công ty. Để giải quyết khúc mắc trên, người viết đề nghị giải pháp sau:

–  Chính phủ hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành một văn bản hướng dẫn chi tiết những căn cứ xác định hoặc liệt kê những hành vi của hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.

– Căn cứ vào văn bản trên, điều lệ công ty cổ phần phải quy định rõ ràng những trường hợp nào là vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông; trường hợp nào là vượt quá thẩm quyền được giao phù hợp với đặc điểm của công ty mình. Cách thức xác định có thể liệt kê từng hành vi một hoặc đưa ra các tiêu chí xác định các hành vi của thành viên hội đồng quản trị vi phạm.

2. Về trình tự thủ tục triệu tập

Sau khi có đủ các căn cứ triệu tập, cổ đông, nhóm cổ đông chỉ có thẩm quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường sau khi đề nghị hội đồng quản trị và ban kiểm soát triệu tập. Trường hợp hai cơ quan này không triệu tập thì thời gian để cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện việc này là:

– 30 ngày đợi hội đồng quản trị không triệu tập (khoản 4 điều 97)

– 30 ngày đợi ban kiểm soát không triệu tập (khoản 5 điều 97)

– 30 ngày sau khi chốt danh sách cổ đông trước khi đại hội diễn ra (khoản 1 điều 98)

Để giải quyết một công việc cấp bách mà nhóm cổ đông cần 90 ngày để tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, vậy thì quyền và lợi ích của nhóm cổ đông đã bị vi phạm. Xin đề nghị: sửa các quy định về thời hạn mà hội đồng quản trị và ban kiểm soát không triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường từ 30 ngày xuống 15 ngày tại các khoản 4, khoản 5 điều 97.

–  Bổ sung khoản 3 điều 98 “Danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông được lập khi có quyết định triệu tập và phải lập xong chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc họp đại hội đồng cổ đông nếu điều lệ công ty không quy định một thời hạn khác ngắn hơn”.

3. Những khó khăn khi cổ đông, nhóm cổ đông triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường

Sau khi cổ đông, nhóm cổ đông được quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường, cổ đông, nhóm cổ đông sẽ phải gặp những khó khăn sau đây:

i. Về danh sách cổ đông

Chúng ta thường gặp trong thực tế trường hợp hội đồng quản trị, ban kiểm soát không cung cấp danh sách cổ đông cho nhóm cổ đông để triệu tập đại hội. Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, chưa có quy định bắt buộc hội đồng quản trị và ban kiểm soát cung cấp danh sách cổ đông. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần quy định để cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện được quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông của mình. Xin đề nghị bổ sung khoản 6 điều 97 như sau: “Hội đồng quản trị, ban kiểm soát phải cung cấp danh sách cổ đông và các cở sở vật chất khác để cổ đông, nhóm cổ đông triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong thời hạn 15 ngày hội đồng quản trị và ban kiểm soát không cung cấp danh sách cổ đông thì phòng đăng ký kinh doanh nơi có trụ sở công ty phải cung cấp danh sách cổ đông dựa vào số đăng ký cổ đông gần nhất của công ty theo khoản 2 điều 27 luật này”.

ii. Về điều kiện tiến hành họp

Điều 102 quy định điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành ba lần căn cứ vào tỷ lệ tổng số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp, lần một tỷ lệ 65%, lần hai  tỷ lệ 51%, lần ba không phụ thuộc vào tỷ lệ.

Cùng quy định trên trong vòng 50 ngày (30 ngày khoản 2 và 20 ngày khoản 3), đại hội đồng cổ đông phải được hoàn thành. Quy định đại hội đồng cổ đông bất thường phải qua ba lần họp và thời gian 50 ngày không phù hợp với tính chất bất thường, gây lãng phí. Góp phần hạn chế lãng phí thời gian và tiền bạc của cổ đông, đại hội đồng cổ đông bất thường chỉ cần họp hai lần và thời gian được rút ngắn. Thiết nghĩ khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 cần bổ sung khoản 5 điều 102 như sau:

“Cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường được tiến hành với ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định. Trường hợp cuộc họp bất thường triệu tập lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành được nêu trên thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp này, cuộc họp của đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp”.