VKSNDTC giải đáp 15 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự

219

Tôi được biết Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn giải đáp vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự . Vậy cho tôi hỏi nội dung cụ thể thế nào?

Tôi được biết Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn giải đáp vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự . Vậy cho tôi hỏi nội dung cụ thể thế nào?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 15/11/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 4962/VKSTC-V14 về giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, viện kiểm sát các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023.

VKSNDTC giải đáp 15 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự

1. Vướng mắc trong việc áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 về tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.

Trả lời:

Về mặt kỹ thuật lập pháp, việc sử dụng dấu giữa hai nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 được hiểu là nếu người phạm tội: (1) có một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải”; hoặc (2) có cả hai điều kiện này, thì cũng chỉ được coi là thoả mãn 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Từ đó, trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải mà không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác thì cũng chỉ coi là thoả mãn 01 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 BLHS năm 2015. Trong quá trình xây dựng và áp dụng BLHS năm 2015 thời gian qua, VKSND tối cao đều nhất quán với quan điểm này.

Ngày 31/8/2023, TAND tối cao cùng đã có Công văn 174/TANDTC-PC về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Theo đó, tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra; tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

2. Chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Trả lời:

Đây là nội dung được BLHS năm 2015 kế thừa từ BLHS năm 1999 và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn mới về vấn đề này, tuy nhiên, quy định về tình tiết này của BLHS năm 2015 không có sự thay đổi so với trước đây; do vậy, trong khi chưa có văn bản mới có hiệu lực hướng dẫn về tình tiết này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng tinh thần tại mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn đối với BLHS năm 1999 để xử lý, giải quyết.

3. Xác định thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính mà không thi hành quyết định xử phạt (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn”, việc không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là do lỗi của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt)?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa…

2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Theo các quy định nêu trên, đối với trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn”, việc không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là do lỗi của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt) mà hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì xác định người đó được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính người đó không tái phạm.

4. Xác định thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính mới thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn” việc thi hành phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn lại và cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành phần còn lại)?

Trả lời:

Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa…

2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Do vậy, trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành được một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn” việc thi hành phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn lại và cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành phần còn lại) thì xác định người đó được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính người đó không tái phạm.

5. Trường hợp người bị xử phạt đã bị cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính triệu tập lên làm việc, lập biên bản về việc chưa nộp phạt do hoàn cảnh khó khăn và cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có biện pháp gì khác thì có xác định người bị xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn” không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 8a Điều 12 và Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu người bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là vì nguyên nhân khách quan (không có khả năng nộp phạt…) và người bị xử phạt không cố tình trốn tránh, trì hoãn (chấp hành theo giấy mời làm việc của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính,…), đồng thời, cơ quan ra quyết xử phạt vi phạm hành chính cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định thì không thuộc trường hợp người bị xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn”.

6. Trong việc áp dụng hướng dẫn trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 BLHS năm 2015, còn vướng mắc đối với trường hợp khi người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án thì có được coi là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án hay không?

Trả lời:

– Đối với các trường hợp thi hành thuộc trường hợp thi hành án chủ động (án phí, hình phạt tiền): nếu chưa chấp hành xong thì không đương nhiên được xóa án tích.

– Đối với trường hợp thi hành trách nhiệm bồi thường cho bị hại: khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định về điều kiện đương nhiên xóa án tích:

“Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án… ”.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự (đối với trường hợp thi hành án dân sự theo yêu cầu của người được thi hành án hoặc yêu cầu của người phải thi hành án) có được coi là “đã chấp hành xong” các quyết định khác của bản án hình sự hay không hoặc có được coi là đủ điều kiện để đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS năm 2015 hay không; pháp luật chỉ có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với trường hợp thi hành trách nhiệm bồi thường cho bị hại; theo đó, “thời hiệu yêu cầu thi hành án” là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; đồng thời, trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án là một trong những trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án.

Do vậy, cần căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 70 BLHS năm 2015, khoản 5 Điều 3, Điều 30, điểm c Điều 31 Luật Thi hành án dân sự để xem xét có thỏa mãn điều kiện hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, được đương nhiên xóa án tích.

7. Đề nghị hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” trong việc định tội Giết người và tội cố ý gây thương tích.

Trả lời:

Tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết “định tính”. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, để áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đánh giá toàn diện về nguyên nhân, động cơ, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội; tính chất, mức độ, phương thức, hành động thực hiện hành vi phạm tội; thái độ, ý thức chủ quan của người phạm tội…

Theo quy định của pháp luật, liên ngành trung ương không có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của BLHS năm 2015. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã lựa chọn và ban hành Án lệ số 17/2018/AL ngày 17/10/2018 trong đó giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ”; VKS các địa phương cần nghiên cứu, áp dụng thực hiện; ngoài ra, đối với các trường hợp chưa được hướng dẫn thì chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp thực hiện quy định tại Điều 3 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ để gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết về việc áp dụng tình tiết này để TAND tối cao xem xét, phát triển thành án lệ.

8. Vướng mắc trong áp dụng pháp luật về gặp khó khăn trong việc áp dụng Án lệ số 47 về tội Giết người.

Trả lời:

TAND tối cao đã có 02 Công văn hướng dẫn:

– Công văn số 49/TANDTC-PC ngày 22/3/2023.

– Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 về việc áp dụng Án lệ số 47.

Các đơn vị cần nghiên cứu, vận dụng các văn bản hướng dẫn này trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc.

9. Trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền, người bán hộ tài sản sau khi bán được, hưởng hoa hồng theo thỏa thuận và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán, người này nêu lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) thì có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 để xử lý hay không?

Trả lời:

Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định:

“Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015, thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện:

– (1) đến thời hạn trả lại tiền;

– (2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả.

Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke…) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015.

10. Một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có hướng dẫn cụ thể, như: Hướng dẫn giải quyết các tội phạm về ma túy đến thời điểm hiện tại đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế hoặc bổ sung; còn có quan điểm không thống nhất khi áp dụng về tình tiết “phạm tội hai lần trở lên” đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… Liên ngành Trung ương chưa thống nhất hướng dẫn cụ thể về hành vi tàng trữ ma túy thu giữ được khi đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trả lời:

– Các Thông tư liên tịch và các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về tội phạm ma túy tại BLHS năm 1999 đến nay đã hết hiệu lực. Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành rà soát, bãi bỏ các Thông tư liên tịch do Bộ Công an chủ trì, trong đó có các Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tội phạm về ma túy. VKSND tối cao đã có Công văn 3652/VKSTC-V14 ngày 29/8/2018 đề nghị TAND tối cao ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định về tội phạm ma túy của BLHS năm 2015.

Trong thời gian chờ có văn bản hướng dẫn mới, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại địa phương cần chủ động phối hợp trao đổi, thống nhất quan điểm để xử lý, giải quyết các vụ án liên quan, bảo đảm phù hợp với quy định của BLHS năm 2015; đồng thời, có thể tham khảo:

(i) Các quy định tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 và Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không trái với quy định của BLHS năm 2015;

(ii) Các công văn hướng dẫn như: Công văn 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 và Công văn 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao;

(iii) Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của VKSND tối cao năm 2020,… để xem xét xử lý cho phù hợp.

– Đối với khối lượng ma túy còn lại thu giữ được nếu đánh giá ngoài hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thêm hành vi tàng trữ ma túy thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu khối lượng ma túy bị thu giữ trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc tội phạm đang diễn ra thì cần đánh giá xem có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy độc lập không để xem xét xử lý.

11. Liên ngành trung ương chưa thống nhất hướng dẫn cụ thể về công tác giám định tư pháp;… dẫn đến một số vụ việc phải kéo dài thời hạn xử lý, giải quyết, cũng như ảnh hưởng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trả lời:

Hiện liên ngành Trung ương (Bộ Công an chủ trì) đang xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự để hướng dẫn giải quyết các trường hợp này.

12. Việc áp dụng pháp luật trong định tội danh liên quan đến tội Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức còn nhiều vướng mắc do có quan điểm xử lý khác nhau, chưa thống nhất, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm thực hiện chuỗi hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, liên ngành Trung ương cũng chưa thống nhất hướng dẫn cụ thể về một số hành vi, như: Hành vi làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật; còn vướng mắc trong giải quyết hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, thiệt hại về tài sản cần định giá để xác định khấu hao tài sản.

Trả lời:

Hiện VKSND tối cao đang tiến hành khảo sát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết các vụ án về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (theo Kế hoạch số 65/KH-VKSTC ngày 30/3/2023).

Do vậy, đề nghị địa phương nêu rõ và phản ánh nội dung khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến việc xử lý tội phạm này tới VSKND tối cao (Vụ 2) để giải quyết theo đúng chức trách, nhiệm vụ.

13. Có một số vụ án, vụ việc đang tạm đình chỉ theo Công văn hướng dẫn số 234 ngày 17/9/2014 của TAND tối cao về xác định hàm lượng ma túy, tuy nhiên đến nay liên ngành Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn giải quyết dứt điểm các trường hợp này, dẫn đến số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn tồn đọng nhiều.

Trả lời:

Hướng dẫn tại Công văn 234 không còn phù hợp với các quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS 2015, Nghị định 19/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của BLHS năm 2015… Do đó, đối với các vụ án, vụ việc đã tạm đình chỉ theo Công văn 234 thì cần xem xét để phục hồi, giải quyết theo đúng quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS 2015, Nghị định 19/2018/NĐ-CP.

14. Chưa có hướng dẫn cụ thể về ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung; chưa có quy định về xử lý vật chứng khi tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Trả lời:

14.1. Hướng dẫn về ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung

Liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Viện trưởng VKSND tối cao cùng đã ban hành các quyết định:

– Quyết định 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố;

– Quyết định 202/QĐ-VKSTC ngày 5/6/2020 ban hành Quy trình tạm thời thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong giai đoạn khởi tố, điều tra của CQĐT của VKSND tối cao;

– Quyết định 291/QĐ-VKSTC ngày 10/9/2021 về tiêu chuẩn kỹ thuật trang thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015 trong ngành KSND.

14.2. Quy định về xử lý vật chứng khi tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế

Việc xử lý vật chứng khi tạm đình chỉ vụ án vụ việc được quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 01 /2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Theo đó, việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015.

Trường hợp xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ có tính chất phức tạp thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, thống nhất bằng văn bản biện pháp xử lý trước khi ra quyết định xử lý. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự, trong đó sẽ có nội dung liên quan đến xử lý vật chứng trong vụ án tạm đình chỉ.

15. Một số quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp như: Hướng dẫn điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; quy định cụ thể về ngày Trại giam phải chuyển hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Tòa án, VKS; chưa có quy định cụ thể thời hạn Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Trại giam tổ chức họp, nghe báo cáo kết quả xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các phân trại sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký chuyển đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định; chưa có quy định cụ thể thời gian Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù họp để thẩm định hồ sơ, danh sách do Trại giam chuyển đến.

Trả lời:

– Đây là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. So với quy định của BLHS năm 1999, quy định của BLHS năm 2015 về điều kiện hoãn, tạm đình chỉ thời hạn chấp hành án phạt tù không thay đổi. Do vậy, trong thời gian chờ hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền, có thể tham khảo các hướng dẫn còn phù hợp tại Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT, Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC để xử lý. Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng đang xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

– Tại Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA- BQP ngày 12/8/2021 quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cũng đã quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định và thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành phạt tù.

Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA- BQP cũng quy định: “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, cơ quan đề nghị phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền và VKS cùng cấp với Tòa án”. Đối với các nội dung vướng mắc khác về thời hạn, cần bảo đảm trong thời hạn trước thời điểm xét giảm ít nhất 20 ngày (khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA- BQP).