Quyền nhận thân về hình ảnh, có cũng như không

23

Thời gian gần đây, khi các bộ ảnh gợi cảm của những người nổi tiếng bị phát tán trên mạng để thiên hạ cùng xem thì bên cạnh việc làm của những cá nhân có mục đích tìm kiếm sự nổi tiếng, cũng có những người thực sự bị xâm phạm quyền nhân thân về hình ảnh. Nhưng rồi sự phản đối, sự lên tiếng của họ cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Phải chăng quyền nhân thân về hình ảnh hiện nay đang có cũng như không?

Chỉ cần một cú click chuột…

Google đang phải đối mặt với nguy cơ hầu tòa, khi một công dân Anh quyết định khởi kiện bởi hình ảnh của mình bị đăng tải trên Google maps. Mặc dù hình ảnh của người đó không rõ mặt và cũng chỉ những người hàng xóm nhận ra anh ta, nhưng với nguyên tắc của quyền nhân thân về hình ảnh, chủ nhân của bức ảnh này quyết định nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Câu chuyện kể trên với Việt Nam tưởng như là chuyện đùa. Bởi hàng ngày, có hàng trăm, hàng nghìn trường hợp tương tự đang xảy ra.

Chỉ cần một cú click chuột với từ khóa cần tìm, người ta có thể có hàng trăm sự lựa chọn cho bức hình mình đang tìm kiếm. Những bức hình đó, có thể là những tác phẩm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, là hình ảnh của những người nổi tiếng… hoặc có thể chỉ là những tấm hình “cây nhà lá vườn” được chụp từ một chiếc điện thoại rẻ tiền, với một người mẫu vô danh… nhưng điểm giống nhau ở những bức hình này là đều có nguy cơ cao bị sử dụng vô tội vạ, bỏ qua các quyền lợi được luật pháp bảo vệ như luật về quyền tác giả, luật về quyền nhân thân đối với hình ảnh. Trong khi đó, luật về quyền tác giả quy định việc sử dụng tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Về quyền đối với hình ảnh, Điều 31 – Bộ luật Dân sự quy định rõ: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Có thể hiểu nôm na rằng: Mỗi người đều có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà sử dụng đã là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Được pháp luật bảo vệ mà không hay

Gần đây, nhiều tác giả đã có ý thức khi bảo vệ quyền lợi của mình đối với các tác phẩm bị sử dụng không xin phép. Nhưng các vụ kiện do chủ nhân của hình ảnh, bảo vệ quyền nhân thân của mình thì lại rất hiếm.

Có thể đưa ra vài ví dụ như vụ “cô gái vườn bưởi” – một nữ sinh trung học ở Vĩnh Long khởi kiện khi thấy hình ảnh của mình xuất hiện nhan nhản để quảng bá cho thương hiệu của tỉnh nhà; vụ ca sỹ AK yêu cầu Spa Y bồi thường vì tự ý dùng hình ảnh của anh để giới thiệu về spa, hay trường hợp của người đẹp trong bức ảnh được lấy làm hình ảnh cho ngành du lịch Việt Nam mấy năm trước…

Đa số các trường hợp này, họ khởi kiện vì một hình ảnh của họ được sử dụng nhiều lần, và tính thương mại được thể hiện rõ. Còn phần lớn các trường hợp bị vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh đều đang im hơi lặng tiếng.

Blog, các trang lưu trữ ảnh trên mạng  cũng là môi trường của các hành vi xâm phạm quyền nhân thân về hình ảnh. Có nhiều quan điểm cho rằng, việc đưa ảnh lên Internet và để chế độ public tức là đồng ý cho người khác sử dụng ảnh của mình. Đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm kể cả so về phương diện quyền tác giả, cũng như quyền nhân thân về hình ảnh mà Bộ luật Dân sự quy định. Việc để chế độ public chỉ là để cho người khác được xem ảnh của mình, còn việc sử dụng, dù là vì mục đích lợi nhuận, hay phi lợi nhuận đều phải có sự đồng ý của tác giả, và đặc biệt là chủ nhân của hình ảnh.

Có lẽ, điều khiến mọi người chưa có ý thức để bảo vệ quyền nhân thân về hình ảnh của mình là bởi phần lớn họ chưa ý thức được quyền lợi chính đáng đó của họ đang được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt, trên thực tế còn nhiều bất cập về cách hiểu và cách thực thi luật. Những khó khăn vướng mắc được thể hiện trong việc xác định như thế nào là quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh; những hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân; mức độ bồi thường khi bị xâm phạm được xác định như thế nào; các hình thức áp dụng để hạn chế và bảo vệ quyền này ra sao…

Trong thực tiễn, các quy định của pháp luật về quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh còn có những quy định đan xen vào nhau gây ra những cách hiểu khác nhau, dẫn tới việc nhận định và gây khó khăn trong quá trình xét xử cho các cơ quan xét xử.

Không nhất thiết phải gây ra thiệt hại mới bị coi là vi phạm quyền nhân thânCách đây không lâu, H.K – chủ của một blog khá nổi tiếng, đã phản ứng rất mạnh mẽ khi một bài viết, cùng những hình ảnh đăng trên bài viết đó của H.K đã bị một trang báo mạng sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng việc trang báo mạng sử dụng hình ảnh của em gái H.K với dụng ý tốt, bởi hình ảnh người mẫu trong ảnh khiến anh nhìn cũng phải yêu mến… Tuy nhiên, H.K rất có lý khi cho rằng: “Tôi hoàn toàn không muốn. Tôi và em tôi có quyền  đó. Theo luật, không nhất thiết phải gây ra thiệt hại mới bị coi là vi phạm quyền nhân thân, mà kể cả trường hợp không có thiệt hại, thậm chí còn làm lợi cho người có hình ảnh đó, cũng bị coi là vi phạm quyền nhân thân của cá nhân dối với hình ảnh nếu sử dụng hình ảnh của họ mà không có sự đồng ý của họ”.

Nhật Thanh