‘Đã muộn khi giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp’

82

Theo các chuyên gia, đề án giải cứu nền kinh tế Chính phủ vừa công bố tuy cụ thể và đúng đối tượng, nhưng lúc này các doanh nghiệp như con bệnh nặng không thể hấp thu được gì.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp – Leadman, giải pháp gia hạn nộp thuế chưa chữa đúng bệnh của doanh nghiệp. Bởi lẽ, nơi có lãi đã co cụm lại, đơn vị lỗ chẳng còn gì để nộp thuế. Ngoài ra, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là liều thuốc chưa đủ mạnh để các công ty hạ giá thành, giá bán, vì đầu vào của sản xuất còn nhiều thứ khác.

“Đến nay mới giảm, gia hạn thuế là muộn. Con bệnh đã nặng, sức kiệt đến nỗi không hấp thu được gì. Có đổ sữa cũng chỉ nhìn mà không thể nuốt được nữa”, ông nhận định.

Dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho và nợ xấu được Chính phủ đưa ra hôm 25/12 đã tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu. Trong đó, ưu tiên triển khai trước hết là các chính sách thuế, phí như: gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động gia công, đầu tư – kinh doanh nhà ở.

Chuyên gia này phân tích, hiện sức mua yếu ớt, chưa kể là niềm tin người tiêu dùng đã giảm trầm trọng. Nhiều người chờ giá bất động sản hạ hơn nữa mới mua. Do vậy, giảm VAT đầu ra đối với bán, cho thuê, cho thuê – mua nhà ở xã hội… chưa phải là cách tốt nhất để xử lý hàng tồn kho.

Theo ông Bình, đề án giải cứu nền kinh tế lần này có điểm khác so với gói kích cầu 2009. Cụ thể, gói kích cầu 2009 hỗ trợ lãi suất vốn lưu động 4% đã không đến với doanh nghiệp, giá cả hàng hoá không giảm. Còn đề án lần này bơm vốn cho ngân hàng chủ yếu là cơ cấu lại nợ, tiền không ra thị trường nhiều nên không tác động trực tiếp đến lạm phát.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Mở TP HCM nhận xét: “So với gói kích cầu năm 2009, đề án giải cứu nền kinh tế lần này chọn lọc đối tượng cụ thể hơn. Về cơ bản đây là sự khích lệ cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân”.

Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng, miễn giảm thuế trong thời điểm này gần như không còn nhiều ý nghĩa đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng bên bờ vực phá sản. Vì vậy, cần có sự sàng lọc kỹ càng, phân loại từng đối tượng khi áp dụng gói hỗ trợ và xử lý nợ xấu.

Đối với bất động sản, dù hàng tồn kho nhiều nhưng chỉ hỗ trợ dự án có thanh khoản cao chứ không nên áp dụng đại trà. “Điều quan trọng là lãi suất phải thấp, duy trì 8-9% và ổn định 3-5 năm cho người mua nhà. Không nên ưu đãi 6-12 tháng rồi sau đó thả nổi vì sẽ càng khiến tình hình thêm trầm trọng”, ông Thuận đề xuất.

Theo ông Thuận, đề án giải cứu nền kinh tế lần này về cơ bản là đúng thuốc nhưng có chữa được bệnh hay không còn phụ thuộc vào liều lượng và quá trình điều trị. Nếu cách thức bơm vốn hợp lý và công cụ lãi suất được thị trường chấp nhận thì mới có hy vọng. “Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công cụ lãi suất quá hạn chế vì thiếu tính ổn định”, ông nói.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay kinh tế Việt Nam đã đi vào khu vực khá nguy hiểm, đã rớt vào đáy sâu nhất trong 13 năm qua. Hệ số ICOR (tổng vốn đầu tư xã hội trên tốc độ tăng trưởng) cũng rất lớn, lên tới 6,6. Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn chưa cao và nguồn vốn đang đóng băng rất lớn.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động lên tới 51.000 đơn vị, kéo theo là tình trạng thất nghiệp. Điểm nghẽn ở đây là hàng tồn kho, đóng băng bất động sản và nợ xấu. “Nếu dự thảo nghị quyết tập trung vào những mấu chốt này tức là đã bắt đúng bệnh và đang đi đúng hướng”, ông Ngân nhận xét.

Ví nợ xấu như ách tắc trong tuần hoàn máu, ông Ngân đề nghị cần tập trung tạo ra sự lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế. Chính phủ phải giải quyết nợ xấu hết sức thận trọng, triển khai một cách đồng bộ, đúng đối tượng, tránh để xảy ra việc lợi dụng khiến nguồn vốn đi chệch mục tiêu.

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 2009 áp dụng với đối tượng quá rộng, thiếu kiểm tra giám sát, ông Ngân đề nghị gói giải pháp lần này cần có kiểm tra giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai, có thể hàng tháng phải sơ kết để đánh giá kết quả. “Nếu đúng với pháp đồ điều trị thì khoảng 2 quý tới, thị trường sẽ thoát điểm nghẽn. Nhà đầu tư, doanh nghiệp thấy được Chính phủ có phương án khả thi cũng yên tâm và sẽ nhanh hồi phục hơn”, ông Ngân nói.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn trên, Tiến sĩ Ngân cho rằng, phải có những giải pháp dài hạn nhằm hạn chế tình trạng khối u tái phát. Do đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để nên kinh tế phát triển một cách bền vững hơn.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Lê Đức Thúy cho rằng, suốt cả năm qua, tỷ giá dường như không thay đổi. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ, tăng trưởng nền kinh tế năm nay đạt 5,03%. Xét về vĩ mô, Việt Nam không phải là nước duy nhất bị tăng trưởng chậm lại (Ấn Độ 4,4%, Brazil 1%). “Do đó, chúng ta không quá lo ngại để có những cái nhìn tiêu cực”, ông nhận xét.

Theo ông Thúy, tình hình có thể không quá khó nhưng lòng tin không có nên chẳng ai mạnh dạn làm ăn. Người tiêu dùng không dám tiêu dùng, chỉ thủ thân thì nền kinh tế không thông nổi. “Giải được bài toán niềm tin này thì phần nào khơi thông nền kinh tế”, ông nói.

Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Alan Phan nhận định, câu chuyện cứu nền kinh tế trong lúc này phụ thuộc vào các số liệu thống kê dùng để kê đơn thuốc có thực sự chính xác hay không bởi vì chỉ cần sai một ly đi sẽ đi một dặm. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất là những quyết sách sẽ được thi hành như thế nào, nhanh hay chậm. Tùy thuộc vào cách triển khai sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô: lạm phát, tỷ giá, ngân sách, nợ công, FDI, ICOR… nhiều hay ít. “Bất cứ can thiệp nào của Chính phủ cũng đều có tác động ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu các vấn đề cơ bản của nền kinh tế không thay đổi, thì đâu lại vào đó sau vài tháng”, ông cho hay.

Nhóm phóng viên