Doanh nghiệp muốn bớt gánh nặng thuế, phí

84

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp gần như kiệt sức khi phải gánh trên vai nhiều loại thuế, phí từ lúc.
“Hiện nay, doanh nghiệp đang phải ‘gồng’ rất nhiều loại thuế. Nhập khẩu nguyên liệu phải chịu thuế, bán ra phải chịu thuế VAT, quyết toán doanh thu thì chịu thuế thu nhập doanh nghiệp… Ngoài ra, khi chia cổ tức cho cổ đông, họ lại phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đây là thuế chồng thuế”, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty May Sơn Việt chia sẻ với VnExpress.net.

Với riêng thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 25%, ông Xuân Anh thừa nhận không quá cao so với một vài nước, song ông đề nghị cần xem doanh nghiệp có lãi hay không rồi mới bàn đến thuế thu nhập doanh nghiệp. “Nếu thu thuế cao và doanh nghiệp được ‘trả’ lại nhờ các lợi ích khác về cơ sở hạ tầng, các chế độ hỗ trợ hành chính… và ‘gián tiếp’ hưởng lợi thì mức đó cũng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu ngược lại, doanh nghiệp sẽ cảm thấy đang phải gánh thuế”, đại diện công ty may phân tích.

Ngoài ra, nếu công ty không có lợi nhuận nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì thuế thu nhập doanh nghiệp cao hay thấp cũng không có ý nghĩa gì nhiều. “Cơ quan chức năng cần nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp gỡ khó hơn”, ông Anh nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp thép bị đè nặng về thuế. Trong khi sức tiêu thụ thép ế ẩm, hàng loạt đơn vị kinh doanh không có lãi, thì thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn phải đóng đều đặn 25% mỗi năm là điều phi lý. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu phôi thép cũng lên tới 5%. Trong tháng 8, sản lượng sản xuất của ngành thép ước đạt 350.000 tấn, tiêu thụ đạt hơn 330.000 tấn và lượng hàng tồn kho còn lại khoảng 320.000 tấn. Con số trên cho thấy, cả sản xuất và tiêu thụ thép tháng 8 đều dưới mức trung bình khoảng 100.000 tấn/tháng.

“Mặc dù ngân hàng đã nới đầu ra nhưng ngành thép vẫn “tắc” vì đầu ra chưa có. Để kích cầu, đã nhiều lần hiệp hội kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ cho khách hàng song vẫn chưa được thông qua”, ông Nghi chia sẻ.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 dài hơn 300 trang của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố cũng cho thấy người Việt đang phải chịu gánh nặng thuế phí cao hơn nhiều nước so với khu vực. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế nhận thấy thu ngân sách của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2011 khá ổn định, khoảng 29% GDP. Trong đó thu từ thuế – phí là 26,3%, còn thu từ dầu thô đang có xu hướng giảm. Nếu loại trừ nguồn này, tỷ lệ thuế – phí so với GDP là 21,6%. Cùng với những thiệt thòi do lạm phát, Ủy ban Kinh tế cho rằng người Việt đang phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí cao từ 1,4 đến 3 lần so với những nước láng giềng.

Cùng với may mặc, thép, một trong những ngành nghề chịu nhiều thuế phí phải kể đến bất động sản. Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng cho biết, để triển khai dự án địa ốc phải trải qua hàng loạt chi phí mà nhiều khi “không thể hạch toán được”. Đơn cử, dự án nhà đất phải qua hàng chục danh mục như xin thỏa thuận về địa điểm, quy hoạch, báo cáo năng lực đầu tư, hồ sơ thẩm định tài chính kèm với đó là hàng loạt các khâu tham vấn. “Đó là chưa kể đến phí vô hình khi chủ đầu tư muốn cơi nới tầng, xin đổi công năng sử dụng”, ông nói.

Để có được công trình, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất, “đau đầu” nhất là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và cơ chế hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất… “Trong khi đó, suốt hơn một năm nay, địa ốc rơi vào trạng thái trầm lắng, chung cư bán ra ê hề những chẳng ai mua. Bởi vậy mới có chuyện hàng loạt dự án địa ốc của những doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội từng ngập trong nợ thuế”, ông chia sẻ.

6 tháng đầu năm, mức độ hàng tồn kho của các mặt hàng bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%, giấy nhăn và bao bì tăng 130% khiến doanh nghiệp ngành giấy gặp hàng loạt khó khăn. Ông Cao Tiến Vị – Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn chia sẻ, doanh nghiệp của ông thu mua giấy vụn tái chế qua những người lao động ve chai nên không có hóa đơn VAT. Do vậy, doanh nghiệp của ông không được cơ quan thuế công nhận chi phí mua giấy và phải đóng hộ 3% thuế thu nhập cho người bán lẻ kèm thuế Giá trị gia tăng.

Năm 1998, Bộ Tài chính đã gỡ khó cho doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp thuê mua giấy vụn lập bảng kê để khấu trừ 3% thuế, nhưng sau đó đã miễn bỏ. “Trong bối cảnh sức mua, sản xuất giảm và chi phí tăng cao khiến thì doanh nghiệp đã phải hạ mục tiêu so với kế hoạch đầu năm đưa ra”, ông Vị nói.

Tại báo cáo “Năng lực cạnh cạnh tranh toàn cầu” 2012-2013 của Diễn đàn kinh tế thế giới, trả lời câu hỏi về những vấn đề đáng lo ngại khi kinh doanh tại Việt Nam, thì thuế và phí đứng thứ 8 trong danh sách sau khả năng tiếp cận vốn, lạm phát và cơ sở hạ tầng… Điều đó cho thấy phí và thuế đang là một trong những rào cản khi kinh doanh ở Việt Nam.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng điều cần làm là các biện pháp giãn nộp thuế, cho nợ thuế, giãn nộp các khoản thu… Bên cạnh đó, các khoản như: quảng cáo, tiếp tân… nên có cơ cấu để khấu trừ các chi phí quyết toán thuế giúp đỡ phần nào cho các đơn vị kinh doanh.

Một lãnh đạo công ty vận tải có 100 xe container tại TP HCM cũng khẳng định với chi phí nhiên liệu liên tục tăng, doanh nghiệp đang phải đối mật với hàng “núi’ những khó khăn đến từ việc duy trì hợp đồng khách hàng, đảm bảo doanh thu, lương cho tài xế… “Bất cứ biện pháp nào giúp doanh nghiệp, kể cả giảm thuế cũng sẽ giúp chúng tôi có thêm lợi nhuận”, lãnh đạo này chia sẻ.

Công ty Luật Hưng Nguyên (theo Hoàng Lan- Kiên Cường)