Gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cứu ngành cá tra vẫn nằm trên giấy

88

Sau khi Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cứu ngành cá tra, giá cá nguyên liệu đã có chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, đến nay người nuôi cá và doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được vốn nên khó khăn của họ vẫn chưa được tháo gỡ.
Nuôi cầm cự chờ …vốn

Sau khi thông tin Chính phủ thông qua gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu ngành cá tra cùng nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng dần từ 18.500 -19.000 đồng/kg lên mức 20.000 – 20.500 đồng/kg và hiện được các doanh nghiệp thu mua với giá 22.000 – 22.500 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Trần Văn Kiệt – nông dân nuôi cá tra ở huyện Phú Tân (An Giang) cho biết: “Gia đình đang thả nuôi gần 1 ha cá tra, hiện cá đang phát triển đạt trọng lượng từ 0,5 -0,7kg/con nhưng đến giai đoạn này gia đình đã cạn vốn. Trong khi đó nghe Chính phủ hỗ trợ vốn cho người nuôi cá nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Không tiền mua thức ăn cho cá, gia đình chuyển hẳn sang thức ăn tự chế hơn 1 tháng nay để cầm cự!”

Tương tự, Ông Dương Tuấn Anh – một hộ nuôi cá ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) than thở: “Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ nuôi cá ở đây cũng khó thở vì lãi ngân hàng, tiền thức ăn, … Nếu treo ao đồng nghĩa với việc nợ nần, mất hết tài sản, còn nuôi lại thì tiền đâu đầu tư. Bởi vậy, bà con nuôi cá ở đây rất nóng lòng đợi nhà nước hỗ trợ, giúp bà con vượt qua cái khó này, tiếp tục bám con cá tra làm giàu chính đáng.”
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên dưới 80 ha diện tích ao nuôi của bà con vẫn tiếp tục “treo”, không có vốn tái đầu tư sản xuất trở lại. Ông Võ Văn Thành, hộ nông dân nuôi cá tra tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: “Trước đây tôi có 1,5 ha mặt nước nuôi cá tra nhưng giờ chỉ nuôi 0,5 héc ta thôi, lỗ lã kéo dài, đâu có tiền nữa mà đầu tư tiếp. Mấy ngày nay nghe giá cá đã tăng trở lại cũng mừng nhưng tôi vẫn thấy lo vì giá cá vẫn còn dưới giá thành”.

Theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ với giá bán như hiện nay, người nuôi cá vẫn tiếp tục lỗ nặng, từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Giá cá tra có tăng nhẹ trong thời gian nhưng vẫn chưa kích thích được người dân thả nuôi trở lại vì giá vẫn nằm trong ngưỡng lỗ và nhiều địa phương tình trạng treo ao. Tuy nhiên, trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn đã công bố giá thức ăn cá tra mới với mức tăng khoảng 300 đồng/kg đối với loại thức ăn 26 độ đạm khiến chi phí nuôi cá đội lên cao.

Khó tiếp cận vốn

Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết Chính phủ đã có quyết định thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng cứu ngành cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay (gồm cả DN và nông dân nuôi cá). Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng này, bà con nuôi cá tại ĐBSCL và DN vẫn chưa thể tiếp cận được, thậm chí còn có nhiều quy định khắc khe hơn trong thẩm định cho vay.

Một DN xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết: “Từ khi có quy định giám đốc ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khoản nợ do mình thẩm định cho vay trên địa bàn do mình quản lý (tỉnh, thành phố), hầu hết các ngân hàng đều làm rất căng. “Trước đây với 2-4 ha mặt nước nuôi cá tra có thể vay được cả tỉ đồng, còn hiện nay ngân hàng xét duyệt cao lắm cũng chỉ 400 triệu đồng thôi”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (TP. Cần Thơ), cho biết: Trước đây, việc DN thanh toán tiền mua cá cho xã viên có chút lợi thế hơn hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, xã viên phải “tự nguyện” bán cá, lấy tiền chậm 1 – 2 tháng là chuyện thường. Vì việc này còn may mắn hơn việc DN phá sản, không đến mua cá.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP đã trao đổi với báo chí, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển cùng các ngân hàng thương mại cho các DN vay với lãi suất 11,4%/năm nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, có nhiều DN không mấy quan tâm đến gói hỗ trợ này. Với tình hình xuất khẩu cá tra đang rất chậm như hiện nay thì chỉ có những doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh rất khó khăn mới chấp nhận điều kiện vay như thế.

Hỏi thăm về “đường đi” gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ giải cứu ngành cá tra, theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang cho biết đến thời điểm này, các Sở chưa nhận được một công văn hay một văn bản nào của Chính phủ hoặc ngân hàng nhà nước về việc triển khai gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang, cho biết: “Cần giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra. Các giải pháp này chậm thì hậu quả sẽ rất nặng cho khu vực ĐBSCL. Hiện tại, cả nông dân và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay. Nếu gói hỗ trợ mà kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp”, cả nông dân và doanh nghiệp đều không thể vay tiếp, vì tài sản họ đã nằm ở ngân hàng! Các cơ chế, chính sách đưa ra phải lường trước được tình trạng của nông dân, doanh nghiệp hiện nay để điều chỉnh hợp lý”. Đây là kiến nghị chính đáng để cứu lấy nghề nuôi, chế biến cá tra đã phát triển hơn 15 năm qua ở ĐBSCL.

Thời cực thịnh của con cá tra đã tạo ra hàng trăm tỉ phú cá tra ở các cù lao và các vạt đất ven sông Hậu, sông Tiền và tự hào mang về hàng tỉ USD từ xuất khẩu. Nhưng khi các nhà máy thủy sản mọc lên như nấm, xuất hiện các nhà xuất khẩu “hai không” ( không nuôi cá, không nhà máy) thị trường xuất khẩu cá tra rối như “canh hẹ”. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tự “bôi mặt” đá nhau, dẫn đến người nuôi và doanh nghiệp đều khổ, … nhưng không hiểu sao cơ quan quản lí nhà nước vẫn còn phải bàn để ngành cá tra tiếp tục lận đận.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Nguyễn Hành